Tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp FDI

(PLVN) -  Sáng 12/3, phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo các tập đoàn Bắc Âu đang đầu tư tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng hợp tác với các doanh nghiệp FDI, qua đó vươn mình, từng bước tiến ra “sân chơi” của thế giới.
Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)
Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)

Tạo kết nối giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều này có được nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp (DN) trên nền tảng phát huy tối đa nội lực; đồng thời có sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các DN nước ngoài nói chung và các DN khu vực Bắc Âu nói riêng.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Về đầu tư nước ngoài, xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo ra sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Cụ thể, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện...; công nghệ lõi tiềm năng như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học, y tế; nông nghiệp công nghệ cao… Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công - tư, bao gồm cả hợp tác với DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới; khuyến khích sản xuất xanh, hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.

Về hợp tác với khu vực Bắc Âu, Phó Thủ tướng đánh giá, quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu những năm qua phát triển rất tích cực. Tuy nhiên, hai bên còn nhiều dư địa hợp tác, tiềm năng, lợi thế có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng mong muốn các tập đoàn, DN lớn của khu vực Bắc Âu, với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các DN Việt Nam, chủ động có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, nắm bắt cơ hội, mở rộng hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng.

Cùng với đó, đóng góp ý kiến, tham mưu với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, DN Bắc Âu thúc đẩy một số định hướng hợp tác mà các DN khu vực Bắc Âu có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, các ngành công nghiệp xanh, giáo dục đào tạo, y tế…

Việt Nam tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư thành công, lâu dài

Phó Thủ tướng khẳng định, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, trong đó có các DN của khu vực Bắc Âu đến đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã trực tiếp làm rõ những quan tâm của các tập đoàn, DN Bắc Âu liên quan đến các lĩnh vực như cải cách hành chính, cung cấp điện, phát triển nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, quan hệ ngoại giao của Việt Nam… Trong đó, về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục phân cấp mạnh cho địa phương, đồng thời tăng cường năng lực cho cấp cơ sở để cơ sở thu hút DN đến đầu tư trên địa bàn. Chính phủ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số, trước hết là chính quyền số để giảm bớt thủ tục hành chính và minh bạch hoá thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng gợi ý các DN Bắc Âu cùng hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nghề, trong đó Việt Nam đào tạo phần cơ bản, còn các DN đào tạo chuyên sâu để đáp ứng tốt nhất mong muốn của nhà đầu tư. Về cung cấp điện và giảm phát thải, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam không thiếu điện và đang nỗ lực điều chỉnh cơ cấu nguồn điện theo hướng nâng tỉ lệ của năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Về thu hút FDI và phát triển khu vực tư nhân, Phó Thủ tướng khẳng định mong muốn lớn nhất của Việt Nam là khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, Việt Nam sẽ phát triển và các nhà đầu tư có lợi nhuận. Mong muốn lớn hơn là DN của Việt Nam được tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN FDI để phát triển lớn mạnh từng ngày. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các DN trong nước cùng hợp tác làm ăn với các DN FDI, qua đó vươn mình, từng bước tiến ra “sân chơi” của thế giới.

Đọc thêm