Tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền thu thập tài liệu, chứng cứ nộp Tòa

(PLVN) - Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường, về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý là quy định về thu thập tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 22/11. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Quang cảnh phiên làm việc chiều 22/11. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của Tòa án là không phù hợp

Về nội dung đồng ý bỏ thu thập chứng cứ tại Tòa, Đại biểu (ĐB) Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị thay thế cụm từ “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” bằng cụm từ “Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ theo quy định” tại khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật. ĐB lý giải trên thực tiễn trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu Tòa án không hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thực tế, hầu hết các vụ việc đều do Tòa án “hỗ trợ” các đương sự và điều luật mới này của dự thảo cũng không thay đổi bản chất so với các quy định của Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự. Từ đó, cũng cần có hướng dẫn cụ thể và có chế tài hơn đối với các cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ mà các đương sự yêu cầu sao chụp nhưng từ chối cung cấp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

ĐB Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nhận thấy, Điều 15 khoản 1 quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là không phù hợp với thực tiễn hiện nay. “Tòa án là cơ quan quyền lực mà thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống hồ giao cho người dân. Hiện chúng ta chưa có cơ chế để người dân tự thu thập chứng cứ”, ĐB nêu rõ.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thanh Sang cho rằng, theo quy định, Tòa án đã thu thập chứng cứ từ Pháp lệnh giải quyết các thủ tục dân sự từ năm 1989, đến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đến nay, đây là quy định rất nhân văn và đã đi vào thực tiễn 3-5 năm nay. Bởi vì thẩm phán đã giúp cho người dân thu thập chứng cứ một cách trọn vẹn nhất, chính xác nhất với khả năng và năng lực của thẩm phán.

Không phải là đẩy việc khó cho dân

Trong khi đó, ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, để giải quyết một vụ việc, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án không chỉ có nghĩa vụ, mà còn có quyền của đương sự. Việc đảm bảo quyền của đương sự, tôn trọng quyền định đoạt của đương sự là một nguyên tắc không nên bị lãng quên.

Đại biểu Mai Khanh. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Mai Khanh. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

ĐB Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) cũng cho biết, về chủ trương, Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 và Nghị quyết 27 đều xác định trong hoạt động tư pháp lấy Tòa án làm trung tâm và xét xử làm trọng tâm. Trong công tác xét xử đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho tất cả các phán quyết của Tòa án chủ yếu dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. ĐB cho rằng, việc quy định cho Tòa án thu thập chứng cứ từ Pháp lệnh năm 1989 đến nay là một tồn tại chưa giải quyết được...

Thực tế hiện nay, khi các đương sự gửi đơn đến Tòa án, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào Tòa án. Vì vậy, đã nảy sinh ra một số hệ lụy như tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán; khiến cho cá nhân và tổ chức “quên” nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Điều đó đã dẫn tới các cơ quan, đơn vị trên lấy lý do khi Tòa án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân.

ĐB nhấn mạnh, hiện nay là thời điểm phù hợp và cần thiết để thay đổi vấn đề này. Nếu tiếp tục quy định như hiện nay thì việc phấn đấu hướng đến nền tư pháp văn minh, phục vụ người dân sẽ dồn lên Tòa án mà bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ trong việc cung cấp cho người dân.

Đại biểu Lê Thanh Phong. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Lê Thanh Phong. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Đồng tình với dự thảo Luật, ĐB Lê Thanh Phong (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, hiện nay chưa có một văn bản là chính thức xác định mô hình tố tụng của ta là theo dân luật hay thông luật, mà trong quá trình nghiên cứu đổi mới theo xu thế quốc tế, chúng ta áp dụng những tinh hoa, những vấn đề có lợi và những vấn đề phù hợp với thực tiễn của mình để áp dụng. Do đó, Bộ Chính trị đã khẳng định tiếp tục cải cách tư pháp theo hướng tranh tụng và Nghị quyết 27 đã nhấn mạnh tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

ĐB Lê Thanh Phong thấy rằng việc hướng tới Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì người dân cần phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Đây là một sự đổi mới căn cơ mà theo ĐB là phải mạnh dạn áp dụng.

ĐB Phong nhấn mạnh, đây không phải là đẩy việc khó cho người dân mà đây là tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực tế, trong quá trình xét xử, Tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên đương sự cung cấp, lời bào chữa của luật sư… Nhiệm vụ này là nhiệm vụ xuyên suốt của thẩm phán, hội đồng xét xử và không thể nhầm lẫn là Tòa thu thập chứng cứ…

Đọc thêm