Ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sau thời gian triển khai thi hành, Pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền dân chủ và phát huy dân chủ trong nhân dân; Đảm bảo sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được chủ động và thường xuyên hơn; Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày được gắn kết chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cơ sở..
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và không còn phù hợp với xu hướng đất nước đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Do đó, việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện dân chủ cơ sở; Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy quyền làm chủ của nhân dân và bảo đảm các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân; Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết những hạn chế, bất cập trong thi hành Pháp lệnh số 34…
Dự thảo Luật gồm 5 chương 36 điều, trong đó chương 2 quy định về những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai cho nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, quy định về những nội dung thuộc phạm vi quyền dân chủ của nhân dân mà nhà nước (chính quyền cấp xã) phải đảm bảo thực hiện: Nội dung, hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được công khai để nhân dân được biết; nội dung hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được nhân dân thảo luận, biểu quyết, quyết định hoặc tham gia ý kiến và những nội dung, hoạt động nhân dân được quyền giám sát…
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Nội vụ đồng thời góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, một số điều cụ thể quy định trong Dự thảo Luật… Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy việc ban hành Luật là cần thiết; Dự thảo có nhiều điểm nhấn trên cơ sở nâng cấp của các pháp lệnh: vấn đề mở rộng công khai thông tin, tạo thuận lợi tối đa nhất cho công dân, thể hiện được vai trò của nhân dân, của người dân địa phương cấp xã…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí với nội dung về sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là tiếp tục thực hiện các quy định Hiến pháp năm 2013 về phát huy quyền làm chủ của nhân dân và bảo đảm quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân; Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cở sở. Đồng thời, tiến hành đổi mới hình thức, phương thức thực hiện dân chủ cơ sở và bảo đảm hiệu quả thực chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Về hồ sơ xây dựng Luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cần làm sâu sắc hơn dự thảo Tờ trình theo hướng làm rõ về thực trạng, tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở và các căn cứ về chính trị, pháp lý, thực tiễn của việc ban hành Luật. Trong Tờ trình cần thể hiện rõ nét mục tiêu ban hành Luật: tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Về dự thảo tờ trình, Thứ trưởng cũng lưu ý cần giải trình cụ thể về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, làm rõ mối quan hệ của luật thực hiện dân chủ cơ sở với các luật khác có liên quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Dự thảo Luật sau khi được ban hành.
Về báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện thực tiễn dân chủ cơ sở, Thứ trưởng đề nghị cần căn chỉnh thêm để đảm bảo được tính toàn diện và đầy đủ về thực hiện thực tiễn dân chủ ở cơ sở, cần nhấn mạnh sâu tới nội dung “dân bàn, dân làm dân kiểm tra” cũng như trách nhiệm của các chủ thể có liên quan cũng như chỉ rõ bất cấp cập của Pháp lệnh 34.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng cho rằng cần có những giải pháp chính sách hiệu quả để đẩy mạnh việc “dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Những nội dung dân bàn và quyết định những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, và những nội dung nhân dân giám sát còn mờ nhạt, chưa được đầy đủ.