Thừa Thiên Huế sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Với cách tiếp cận, cách nhìn và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, bề dày lịch sử văn hóa, thành phố xanh, thông minh và hiện đại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô dân số, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… trong đánh giá phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính đô thị; thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương; và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm góp phần giúp Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thân thiện, hiệu quả, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế khác so với quy định của luật hiện hành đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bản tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội - văn hóa. Mô hình đô thị đối với Thừa Thiên Huế là cần thiết để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như đã đặt ra tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo tập trung đề xuất 04 chính sách gồm: Phí tham quan di tích; Quỹ bảo tồn di sản Huế; Quy định mức dư nợ vay; Về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết, từ khía cạnh triển khai để thực hiện nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, đến khía cạnh thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao, nhất là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Thứ trưởng đề nghị cần diễn đạt để làm rõ hơn nội dung của phạm vi điều chỉnh; căn cứ vào đó rà soát kỹ để phù hợp với thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan, Thứ trưởng lưu ý làm rõ một số nội dung liên quan đến đơn vị hành chính gắn với đặc điểm của Thừa Thiên Huế, có yếu tố lịch sử, văn hoá, yếu tố pháp lí… Thứ trưởng đề nghị rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Nghị quyết để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là với Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015… Trong đó, làm rõ căn cứ pháp lý về nội dung phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị có tính chất đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; xem xét kỹ lưỡng thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; làm rõ định mức phân bổ chi thường xuyên…