"Người đáng tin cậy nhất"
Chu Vĩnh Khang từng có nhiều tay chân thân tín trong đường dây tham nhũng, nhưng không ai trong số họ được Chu tin tưởng hơn Tào Vĩnh Chính, 56 tuổi, người được mệnh danh là "Đại tiên Tân Cương". Chu đã trao 6 tài liệu mật cho Tào, khiến ông bị kết tội cố tình làm lộ bí mật nhà nước.
Tào được truyền thông Trung Quốc cho rằng là một nhà tiên tri thần bí và chuyên gia về khí công. Theo Xinhua, Tào đã cung cấp lời khai chống lại Chu trong phiên xử kín ở tòa án tại Thiên Tân ngày 22/5. Tuy nhiên, không rõ liệu ông ta trực tiếp đến làm chứng, hay lấy lời khai từ trước, hoặc có thể ông ta cũng đang bị giam giữ.
Tào được đồn đại là một tỷ phú có khả năng dự đoán tương lai, nhờ đó giành được lòng tin của một số quan chức hàng đầu Trung Quốc. Một bài báo trên Southen Weekly năm 2013 viết rằng Chu Vĩnh Khang đã gọi Tào là "người đáng tin cậy nhất" của Chu khi giới thiệu với mọi người.
Theo truyền thông Trung Quốc, "nhà tiên tri" này giành được sự tin tưởng của Chu Vĩnh Khang nhờ quan tâm đến con trai thứ hai của Chu là Chu Hàn, người có tính cách hướng nội, từng làm việc trong Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec). Sinopec có trụ sở tại Bắc Kinh, từng là công ty có doanh thu cao thứ 5 thế giới, theo thống kê của Forbes.
Caixin năm ngoái tiết lộ Tào có mối quan hệ thân thiết với các quan chức cấp cao tỉnh Tứ Xuyên, trong đó có cựu bí thư tỉnh ủy Lý Xuân Thành và nguyên phó chủ tịch Hội đồng nhân dân Quách Vĩnh Tường. Tào cũng quen biết một loạt quan chức cấp cao trong Sinopec. Cả Lý và Quách đều bị buộc tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Tào được cho là đã khoe khoang rằng tất cả những người nằm trong Danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới hàng năm của tạp chí Forbes sẽ không thể đọ lại ông ta, nếu ông ta tiết lộ tổng tài sản của mình. Tào cũng tuyên bố đã gặp hơn 600 quan chức chính phủ Trung Quốc.
Tào xuất thân từ Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, từng theo cha làm việc cho công ty xây dựng và sản xuất Tân Cương với đồng lương ít ỏi. Tào sau đó tốt nghiệp Đại học Tân Cương ngành chính trị năm 1982. Ông ta làm nhiều công việc khác nhau, từ làm giáo viên cho đến biên tập viên tại một nhà xuất bản.
Kỳ nhân hay lừa bịp?
Tào nổi tiếng với những lời đồn đại là "có năng lực siêu phàm" trong việc dự đoán tương lai. Ông được cho là đã có công năng đó từ khi học lớp ba. Một cuốn sách do phóng viên của People's Daily viết năm 1998 gọi Tào là "huyền thoại" ngay từ khi còn bé vì khả năng nói, hoặc nhận biết quá khứ, hiện tại và tương lai của một người trong vòng một phút, chỉ bằng cách nhìn người đó hoặc xem ảnh, danh thiếp, hay một thứ người đó hay sử dụng.
Tào cũng được cho là đã sử dụng một nhánh cây dâu để chữa trị cho một bệnh nhân vẹo cột sống và dự báo năm 1993 rằng Bắc Kinh sẽ mất quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2000 vào tay Sydney.
Tào đã dự đoán một tỷ phú sẽ bị bệnh tim trong vòng 7 ngày sau khi ông ta nhìn thấy tên của người đó trên máy tính. Tỷ phú đó sau này giúp Tào thiết lập một câu lạc bộ sức khỏe độc quyền ở Hong Kong, có phí tham gia lên đến 800 ngàn USD. Thành viên của câu lạc bộ này được đồn đại là có cả quan chức nước ngoài, các doanh nhân hàng đầu và nghệ sĩ đẳng cấp thế giới.
Được tán tụng là "quốc sư", Tào có cơ hội gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao, doanh nhân và người nổi tiếng Trung Quốc. Số tiền ông ta kiếm từ họ và phát triển kinh doanh riêng đã đưa ông ta trở thành tỷ phú.
Tào được cho là đã mua một khu nhà cổ ở Bắc Kinh với giá hơn 100 triệu nhân dân tệ (16 triệu USD) và thuê nhiều nhân viên được đào tạo tốt. Các cán bộ cấp cao, tỷ phú, người muốn chữa bệnh và những người muốn gặp quan chức đã nghỉ lại nơi này.
Quảng cáo của một thầy bói trên đường phố Trung Quốc |
Theo Caixin, ít nhất 4 quan chức cấp tỉnh đã đến thăm khu nhà này năm 2011. Tuy nhiên, khu nhà đã lọt vào tầm ngắm của các quan chức chống tham nhũng và bị đóng cửa tháng 7/2013, với cáo buộc rằng nó được sử dụng cho mục đích tham nhũng. Công ty năng lượng Niên Đại của Tào, thành lập năm 2006, từng được phép sử dụng đất đặc quyền trong khu công nghệ cao Thành Đô, cũng bị điều tra tham nhũng.
"Xoa bóp" tinh thần
Chu Vĩnh Khang – Tào Vĩnh Chính là ví dụ mới nhất về mối quan hệ giữa sự duy linh và một số lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc. Trước Chu, nhiều cán bộ cao cấp được cho là đã tìm kiếm giúp đỡ và xin phước lành từ các khí công sư, thầy phong thủy và các nhà sư Phật giáo và Đạo giáo.
Tượng Phật bằng vàng là món quà yêu thích của nhiều quan chức cấp cao. "Các cán bộ tìm đến niềm tin tâm linh để tránh tai ương, và tránh chông gai trên con đường chính trị, đó là điều tự nhiên", Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc, nhận định.
Khí công, phương pháp tập luyện hít thở kết hợp với chuyển động cơ thể nhẹ nhàng và thiền định, thật sự có lợi cho sức khỏe, Li nói. "Khi đã có tiền và quyền rồi thì anh còn muốn gì nữa? Tất nhiên là tuổi thọ và sức khỏe. Đó là bản chất con người", ông nói.
Nhiều quan chức Trung Quốc cũng có biểu hiện mê tín, ví dụ như họ treo kiếm trong nhà vì cho rằng nó sẽ giúp họ không bị thanh tra kỷ luật "sờ gáy". Họ còn phá đường để tránh xui xẻo, hay đặt bồn nước phía trước các tòa công sở với hy vọng sẽ tích lũy được của cải.
Các nhà bảo thủ chính trị Trung Quốc kịch liệt chỉ trích việc đảng viên Trung Quốc quan tâm đến quyền lực siêu nhiên. Sina Nam từ lâu đã cố gắng lật tẩy các khí công sư tự nhận là có khả năng siêu phàm. Ông nói rằng các quan chức tham nhũng và các kỳ nhân tự xưng này có mối quan hệ cộng sinh. "Các kỳ nhân “xoa bóp” về mặt tinh thần cho các quan tham, đổi lại, các quan chức che chở cho họ", ông viết.
Từ thập niên 80, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng khí công, phương pháp tập luyện hứa hẹn giúp cơ thể khỏe mạnh và tĩnh tâm, khi đất nước bắt đầu tiến nhanh một cách chóng mặt trên con đường cải cách kinh tế, định hình lại cuộc sống của hàng trăm triệu người.
Để thu hút ủng hộ, các khí công sư khoe khoang rằng họ có năng lực phi phàm như chữa bệnh nặng mà không cần điều trị y tế. Họ nhanh chóng có nhiều người tin tưởng. Những người này thường xuyên tham dự các cuộc họp mặt lớn, đăng ký vào các nhóm thực hành, và mua sách nhỏ của các "bậc thầy", khi họ tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề cuộc sống.
Cơn sốt khí công lắng xuống khi Bắc Kinh nhận thấy trào lưu này trượt dốc thành mê tín dị đoan. Nó kết thúc năm 1999, khi chính quyền Trung Quốc truy quét một trong những trường phái khí công phổ biến gọi là Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, nhu cầu về dẫn dắt tinh thần và tư vấn tâm lý ngày càng tăng ở Trung Quốc, khi nhiều người vật lộn với những thay đổi kinh tế xã hội nhanh chóng và sâu sắc. "Tâm hồn con người cần có chỗ trú ngụ, vì vậy, một số người Trung Quốc tìm thấy chốn bình yên cho tâm hồn từ các khí công sư", Shi Shusi, một nhà bình luận độc lập tại Bắc Kinh nói.
Dali Yang, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho rằng những người giàu có và quyền lực muốn tìm đến sức mạnh thần thông, và kết giao với các khí công sư để giúp họ vừa tập luyện cơ thể, vừa hỗ trợ về mặt tâm lý. "Đó là là sự giải tỏa về mặt tinh thần", Yang nói. "Họ có thể đóng vai trò là cố vấn tâm lý"./.