Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng: Chỉ khi loại được “giấy phép con”

(PLO) - Hơn 200 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) phải chịu điều chỉnh của 362 văn bản. Một món hàng dưới 1 triệu đồng cũng chịu kiểm tra chuyên ngành (KTCN) của 28 đơn vị. Một công ty mỗi năm phải xin 1.000 giấy phép cho 1.000 đơn hàng nhập khẩu, phải kiểm tra tiêu chuẩn hợp chuẩn tới 300 lần… 
Cải thiện môi trường kinh doanh giúp DN có nhiều cơ hội phát triển
Cải thiện môi trường kinh doanh giúp DN có nhiều cơ hội phát triển

Số liệu này cho thấy tiến trình kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng đang còn nhiều lực cản từ thể chế và nhất là ở lĩnh vực KTCN, khi nhiều cơ quan quản lý đang lúng túng trong thực thi văn bản pháp luật thì các DN phải “chịu trận”, kiềm chế nghiêm trọng hiệu quả kinh doanh.

Chỉ phát hiện được 1/1000 vi phạm về hàng hóa XNK

Tại Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam” do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) phối hợp cùng Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu tại Việt Nam tổ chức, vướng mắc trong thủ tục KTCN được mổ xẻ để cùng tháo gỡ những khó khăn, rào cản được quy định bởi chính các văn bản pháp luật. 

Theo thống kê, việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý và KTCN đối với trên 200 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) phải chịu chi phối của 326 văn bản khác nhau (tính đến ngày 30/11/2016).  Nhưng ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, có thể đến thời điểm hiện giờ con số văn bản mà các loại hàng hóa chịu KTCN đã tăng hơn nhiều.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, mỗi ngày có hơn 9 triệu lô hàng nhập khẩu; hàng trăm lô hàng xuất khẩu nhưng việc phát hiện vi phạm tỉ lệ thấp, chỉ 1/1000. Vì thế, ông Ngô Minh Hải khẳng định, cần thay đổi, rà soát các văn bản để chỉ rõ bất cập. Ông Ngô Hải Phan (Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ) cho biết, nhiệm vụ trọng tâm về cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP, đó là cải thiện 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Môi trường kinh doanh. 

Chính phủ đã giao 4 nhóm việc với tổng số 351 đầu việc cho 27 bộ, ngành, cơ quan và địa phương với nhiệm vụ chung là cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa XNK; cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Chính phủ điện tử… để loại bỏ “lợi ích nhóm” cũng như các rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). 

Dự kiến trong tháng 4 này, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát lại 362 loại văn bản nói trên để xem xét có thể giảm được những văn bản nào để kiến nghị Chính phủ xây dựng, bổ sung, sửa đổi văn bản pháp luật.  Ông Hải cho biết, trước mắt sẽ mời 10 bộ, ngành rà soát các văn bản về an toàn thực phẩm, kinh doanh động, thực vật và sẽ kiến nghị áp dụng thông lệ quốc tế, giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN; kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành cải cách toàn diện thể chế, cách thức, phương pháp KTCN đối với hàng hóa XNK. 

“Tha thiết” mong giảm được thời gian kiểm tra chuyên ngành

Nêu ví dụ việc nhập mặt hàng thức ăn gia súc, DN phải đăng ký chuyên ngành ở cả Cục Thú y và Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) là trùng lắp, mất thời gian và chi phí cho DN, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cần quy định để mỗi nhóm hàng sẽ do một cơ quan kiểm tra, áp dụng nguyên tắc “một cửa” và công nhận lẫn nhau để giảm thiểu tối đa chi phí KTCN cho DN, rút ngắn thời gian kiểm tra, thông quan hàng hóa, từ đó môi trường kinh doanh mới có thể thông thoáng như kỳ vọng. Đại diện các hiệp hội DN cũng muốn được áp dụng nguyên tắc về quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế, phân luồng, buộc DN phải chịu trách nhiệm quản lý rủi ro đối với hàng hóa của mình để giảm thời gian KTCN.

Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc điều hành Công ty FPT nêu dẫn chứng ngay việc nhập khẩu điện thoại ở FPT (cứ mỗi lô hàng DN lại phải xin phép 1 lần. Như vậy, một năm với 1.000 đơn hàng thì tương đương với 1.000 lần xin phép và thời gian trả lời cho 1 lần xin phép mất 7 ngày) và cho rằng,  “ngành Hải quan đã tạo điều kiện nhưng vấn đề giấy phép con của các bộ, ngành còn rất nhiều. Có tới 362 văn bản chi phối hàng hóa XNK, như vậy hải quan muốn đơn giản hoá thủ tục cũng không được vì phụ thuộc vào các bộ, ngành khác”. Do đó, cần tiếp tục đối thoại để Chính phủ lắng nghe DN, cải tiến những khó khăn, trở ngại, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN.

Bà Ngô Thu Thủy, đại diện Hiệp hội EuroCham chia sẻ: “Chúng tôi có nhận nhập khẩu nhiều món hàng làm quà tặng, giá trị chỉ khoảng dưới 1 triệu đồng nhưng cũng phải chịu sự KTCN của 28 đơn vị. Do đó, nếu có thể, rất mong muốn có thể bỏ thủ tục KTCN đối với các món hàng dưới 1 triệu”. Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc công ty chuyên về nhập khẩu thiết bị điện tử vì “với các mặt hàng nhập phi mậu dịch (dành để cho, tặng, biếu) thường cần gấp, nếu lại phải đi theo một quy trình thủ tục như hàng hóa mậu dịch gây khó khăn cho rất nhiều giao dịch”.

Đọc thêm