Họ đã cùng nhau làm nhiều video clip về lịch sử văn hóa để tặng trang web của Bảo tàng Lịch sử quốc gia khiến cho những bài học, kiến thức về lịch sử không còn khô khan mà dần trở nên sinh động trong mắt mỗi người. Nhóm tình nguyện đó gồm Nghiêm Hoàng An (kỹ thuật dựng), Nguyễn Lê Phương Anh và Ngô Ngọc Tú (phụ trách nội dung), Nguyễn Thanh Tùng (nhiếp ảnh gia của nhóm).
Khởi nguồn cho hoạt động tái hiện lịch sử bằng video clip là khi Nghiêm Hoàng An bàn chuyện cùng chị Lê Vũ Hằng (phụ trách câu lạc bộ tình nguyện viên lúc đó - PV) có nói tới trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật”. Vì trước đó Hoàng An đã thực hiện một video về Ngày Nhà giáo nên đã mạnh dạn đề xuất “luôn việc làm video cho tọa đàm ‘Sen trên cổ vật”.
Vậy là từ đó Hoài An đã phải thức đến 2 giờ sáng để hoàn thành video clip về hoa sen trên cổ vật. Những thông tin trên clip này do An cùng nhóm bạn gồm Ngô Ngọc Tú (24 tuổi), Lê Nguyễn Phương Anh (25 tuổi) và Nguyễn Thanh Tùng (24 tuổi) tổng hợp.
Video clip về hoa sen trên cổ vật này sau khi hoàn thành đã được đưa vào sử dụng trong tọa đàm và việc học lịch sử ngoại khóa tại bảo tàng. Clip bắt đầu bằng những hình ảnh sen rất quen thuộc trong đời sống, nhưng sau đó là những hình ảnh ít ai được thấy: sen trên các cổ vật, bảo vật quý. Đó là những hình sen và cúc dây được vẽ trên đồ gốm men lục của thế kỷ XI, hay hoa sen trên gốm Cù Lao Chàm thế kỷ XV; bệ đá, chân tảng có hoa sen thời Lý. Ngoài ra còn có tượng Phật Thích Ca sinh ra từ hoa sen làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng. Sen không chỉ là sen mà còn mang những ý nghĩa về sức mạnh Phật giáo, tư tưởng.
Chủ đề “Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn” giới thiệu bộ sưu tập hiện vật đồ dùng hoàng gia trang trí họa tiết hình sen, được chế tác từ những chất liệu quý hiếm như ngọc, vàng, bạc, ngà… |
Nói về mục đích của việc đưa lịch sử vào các video clip, Ths. Nguyễn Thị Hữu – Chủ nhiệm CLB Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: “Nhằm hỗ trợ phục vụ công tác truyền thông của bảo tàng, giới thiệu và quảng bá một số hình ảnh và các trưng bày chuyên đề tại bảo tàng, nhóm biên tập website và CLB Tình nguyện viên của bảo tàng đã tiến hành dựng một số video clip ngắn”.
Thông thường, mỗi clip về lịch sử được đưa lên đều phải qua sự kiểm tra, rà soát nội dung thông tin hết sức chặt chẽ của TS.Vũ Mạnh Hà – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Ths. Tô Thị Thủy Lâm – Trưởng phòng Truyền thông của Bảo tàng.
Việc sử dụng các video clip để giới thiệu về lịch sử là một hình thức truyền thông hấp dẫn và rộng rãi, mang ý nghĩa thiết thực nhằm giúp cho công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ có thể tiếp cận một cách nhanh nhất với lịch sử.
“Chúng tôi tạo điều kiện cho các bạn được nghe, nói chuyện về lịch sử một cách cởi mở với những đề tài không giống sách giáo khoa. Nhóm làm video clip cũng giúp chúng tôi lan tỏa câu chuyện lịch sử. Chẳng hạn, họ giúp chúng tôi lên kế hoạch trưng bày, thuyết minh, hướng dẫn người xem”, chị Hữu nói.
Cùng những hoạt động của bảo tàng và sự nhiệt huyết của nhóm tình nguyện, hi vọng rằng trong tương lai, lịch sử sẽ trở nên gần gũi với đông đảo học sinh, sinh viên nói riêng và với mọi người dân nói chung.