Tạo sức mạnh nội sinh để đất nước thực sự giàu về biển và mạnh lên từ biển

(PLVN) - Nhân kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và 10 năm Luật Biển Việt Nam, cuối tuần qua, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Việt Nam - Đất nước nhìn từ biển” nhằm góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của công chúng đối với các vấn đề lịch sử, pháp lý về UNCLOS nói chung và pháp luật biển, đảo Việt Nam nói riêng.
 Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Ủy viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2027; Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện pháp lý quan trọng trong quá trình phát triển của luật pháp quốc tế, đó là sự ra đời của UNCLOS. Đây được coi như bản Hiến pháp của biển và đại dương. Đến nay, đã có 167 quốc gia tham gia Công ước, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của LHQ. UNCLOS đã thể hiện vai trò như một bản Hiến pháp của đại dương trong việc điều chỉnh quy chế pháp lý các vùng biển cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển, đáp ứng sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, đồng thời, dung hòa được quyền và lợi ích giữa các quốc gia.

Tại Tọa đàm, các đại biểu khẳng định, đối với Việt Nam, UNCLOS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho Việt Nam trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế. Việt Nam đang là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS.

Về Luật Biển Việt Nam, các đại biểu cho rằng, Luật Biển Việt Nam là kết quả tất yếu của quy trình nội luật hóa UNCLOS mà Việt Nam là một thành viên chính thức kể từ năm 1994. Những quy định của Luật Biển Việt Nam 2012 hoàn toàn phù hợp với UNCLOS và được xây dựng trên cơ sở tiếp thu, bổ sung các quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã được Chính phủ Việt Nam công bố như Tuyên bố của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 1977.

Bàn luận về chủ đề “Việt Nam - Giàu từ biển và mạnh lên từ biển”, các đại biểu khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển; các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý, tạo điều kiện cho nền kinh tế biển phát triển bền vững. Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất để phát huy giá trị của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các ý kiến nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, Việt Nam cần tiếp tục nhất quán trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đồng thời thực hiện những sách lược, giải pháp quản lý và sử dụng tài nguyên biển, đảo hiệu quả, bền vững; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo quê hương của mọi người dân, tạo sức mạnh nội sinh, động lực bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước thực sự giàu về biển và mạnh lên từ biển…

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU). Với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, sau hơn 4 năm, công tác chống khai thác IUU đã đạt một số kết quả quan trọng như hệ thống pháp luật về thủy sản từng bước hoàn thiện, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm so với các năm trước.

Nghị quyết số 36-NQ-TW ngày 22/10/2018 của về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045 “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra 05 chủ trương lớn; 03 khâu đột phá và 07 nhóm giải pháp nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Đọc thêm