Tập đoàn Hóa chất “ngậm quả đắng” với nhà máy công nghệ Trung Quốc

(PLO) - Nhà máy Đạm Ninh Bình trị giá trên 11 nghìn tỷ đồng vốn được chủ đầu tư – Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) kỳ vọng như một “cú đấm thép” nhằm đảm bảo chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước. Thế nhưng, sau 3 năm vận hành thương mại, “cú đấm thép” giờ đây đang trở thành “cục nợ” mà một nguyên nhân quan trọng là do sử dụng công nghệ Trung Quốc.
Nhà máy Đạm Ninh Bình
Cực chẳng đã, trong một văn bản vừa trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, tân Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường phải khai thật: “Dây chuyền máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xảy ra các sự cố”.
“Họa vô đơn chí”
Ông Tường cho biết thêm: “Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố nhỏ, tiêu hao định mức chưa đạt mức thiết kế”.
“Họa vô đơn chí”, trong môi trường công nghệ như vậy, giá than lại liên tục được điều chỉnh tăng trong khi chất lượng than điều chỉnh giảm. Vinachem cũng vừa “tố cáo” với các Bộ, ngành hữu trách việc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp than cám 4a có chất lượng thấp hơn so với than được mô tả trong dự án, không đáp ứng yêu cầu công nghệ. Điều này kết hợp với dây chuyền Trung Quốc kể trên lại càng dẫn đến việc chi phí tiêu hao cao, máy móc thiết bị nhanh bị ăn mòn, công nghệ không ổn định.
“Trường hợp yêu cầu phải duy trì theo đúng thiết kế, Công ty Đạm Ninh Bình phải sử dụng than cám 3c, sẽ làm tăng chi phí sản xuất khoảng 42 tỷ đồng/năm do giá than cám 3c cao hơn so với cám 4a” - nguồn tin Pháp luật Việt Nam tiết lộ.
Chi phí khấu hao cao, chi phí lãi vay đầu tư cao; giá than cám 4a bằng 2,29 lần và giá than cám 5 bằng 2,19 lần so với giá than tại thời điểm phê duyệt dự án, trong khi chất lượng lại giảm khiến giá than sản xuất urê của Đạm Ninh Bình được nói là “tăng rất cao”.
Nguồn cung urê trên thị trường lại có chiều hướng tăng và giá liên tục giảm. Theo đánh giá của Vinachem, sản lượng urê từ các nhà máy sản xuất trong nước và từ nhập khẩu đang “tạo ra dư thừa quá nhiều”. Cụ thể, trong nước năm 2013 có 4 nhà máy là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình đã sản xuất trên 2 triệu tấn phân urê.  Nhập khẩu trên 1,2 tấn, đáng chú ý riêng từ Trung Quốc là gần 1 triệu tấn, cả nhập chính ngạch và tiểu ngạch. Như vậy, tổng nguồn cung urê năm 2013 đạt trên 3,2 triệu tấn, so với nhu cầu khoảng 2,2 triệu tấn thì đang dư thừa khoảng trên 1 triệu tấn urê.
“Tiến thoái lưỡng nan”
Xài công nghệ Trung Quốc, lại cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Vinachem thua trận là điều không có gì khó hiểu.
Giá phân urê thế giới đang ở mức thấp kỷ lục, đặc biệt là urê Trung Quốc. Năm 2011 giá FOB Trung Quốc là 460 USD/tấn, sang năm 2012 giảm còn 415USD, năm 2013 xuống còn 330 USD/tấn và dự báo năm 2014 này chỉ còn dao động quanh mức 305 - 310 USD/tấn.
Không chỉ cạnh tranh với hàng Trung Quốc, ngay nội bộ các nhà máy đạm trong nước cũng “nồi da xáo thịt”. Cứ đến chính vụ là các đơn vị kinh doanh phân bón thi nhau giảm giá để tăng sản lượng tiêu thụ. Hiện nay giá urê Phú Mỹ chỉ bán 7,5 triệu đồng/tấn,  urê Hà Bắc 7,7 triệu đồng/tấn, urê Ninh Bình 7,2 triệu đồng/tấn, urê Cà Mau 7,5 triệu đồng/tấn. Tính ra nếu so với cùng kỳ năm 2013, Phú Mỹ đã giảm 2,3 triệu đồng/tấn, Hà Bắc giảm 2,3 triệu đồng/tấn, Ninh Bình giảm 2,2 triệu đồng/tấn. Giảm giá mạnh như thế nhưng tất cả thương hiệu này vẫn bị urê Trung Quốc cho “ngửi khói” khi hiện chỉ giao dịch quanh mức 7 triệu đồng/tấn.
Đầu vào tăng cao, đầu ra giảm thấp nên Công ty Đạm Ninh Bình chỉ lỗ và lỗ. Số liệu từ Vinachem cho thấy, năm 2012 Công ty này lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ gấp 10 lần, lên 759 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm 2014 cũng đã lỗ 237 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến nay là là 1.071 tỷ đồng.
(Còn tiếp)

Đọc thêm