Tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng

 Hôm qua (16/12), Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn cho chuyên viên và cộng tác viên các chuyên đề về kỹ năng tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự và hành chính.

Hôm qua (16/12), Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn cho chuyên viên và cộng tác viên các chuyên đề về kỹ năng tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự và hành chính.

Trình bày chuyên đề “Kỹ năng tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là người được TGPL trong vụ việc dân sự”, TS Nguyễn Minh Hằng (Trưởng Bộ môn Tranh tụng, Học viện Tư pháp) , Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) cho biết, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người bảo vệ thì có vai trò như một cố vấn pháp lý.

Người bảo vệ quyền lợi cho đương sự có thể tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong tất cả các vụ án dân sự mà không bị hạn chế bởi vụ án nào, kể cả vụ án ly hôn và hủy hôn nhân trái pháp luật. Sự tham gia của người bảo vệ quyền lợi của đương sự không thể thay thế vị trí của đương sự.

Để có thể hoàn thành vai trò trợ giúp của mình, TGVPL phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về thủ tục tố tụng và những kỹ năng cần thiết như kỹ năng tư vấn tiền tố tụng và chuẩn bị tham gia tố tụng, kỹ năng hướng dẫn đương sự thu thập chứng cứ, giao nộp chứng cứ cho tòa án, kỹ năng tham gia hòa giải…

Trong tham gia giải quyết việc dân sự, TGVPL cần giúp đương sự chuẩn bị hồ sơ yêu cầu và tham gia trong giai đoạn tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu, giúp người được TGPL kháng cáo và tham gia thủ tục phúc thẩm việc dân sự…

PGS – TS – LS Phạm Hồng Hải trong bài “Kỹ năng tham gia tố tụng để bào chữa cho người được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự” đặc biệt lưu ý tới việc tìm, thu thập chứng cứ để bào chữa cho thân chủ. Trong quá trình đi tìm chứng cứ qua các vật chứng, lời khai, các văn bản liên quan, người thực hiện trợ giúp phải học nhiều từ tâm lý tội phạm, kỹ thuật điều tra hình sự… để bằng nhạy cảm nghề nghiệp thu thập được chứng cứ có lợi cho đương sự.

“Trước tài liệu của cơ quan điều tra, bao giờ người bảo vệ cũng phải đặt câu hỏi liệu nó có phù hợp với thực tế khách quan không?”, ông Hải nhấn mạnh.

Với chuyên đề “Kỹ năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong vụ án hành chính”, TS Lê Thu Hằng (Học viện Tư pháp) đã đưa ra so sánh về những điểm mới của Luật Tố tụng hành chính sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Mặc dù Luật Tố tụng hành chính đã mở rộng rất nhiều về phạm vi khởi kiện, thẩm quyền giải quyết của tòa án nhưng TGVPL vẫn cần phải giúp khách hàng xác định đúng đối tượng khởi kiện, đưa ra yêu cầu khởi kiện hợp pháp và hợp lý… “Khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, TGVPL nên tập trung trợ giúp khách hàng khởi kiện vụ án tại tòa vì Luật cho phép nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính thẳng ra tòa án”, bà Thu Hằng phân tích.

Song Thu

Đọc thêm