Lớp tập huấn do bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì.
Tham gia Lớp tập huấn có nhóm chuyên gia tập huấn gồm Tiến sỹ Nguyễn Văn Hợi - Tổ trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội và Thạc sỹ Nguyễn Thị Long - Giảng viên chính, Trường Đại học Luật Hà Nội; các đại biểu thuộc Sở Tư Pháp, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ban Dân tộc, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Cục Thi hành án dân sự, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan đăng ký đất đai, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tín dụng đến từ các địa phương: Lào Cai, Điện Biên, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang.
Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay các quy định của pháp luật hiện hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũng đã có nhiều cơ chế pháp lý thuận lợi giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên, với đối tượng là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số thì việc tiếp cận tín dụng còn nhiều hạn chế, trong đó một trong các lý do là do hoạt động phổ biến pháp luật về tín dụng, về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm trong vay vốn tín dụng dành riêng cho nhóm đối tượng này chưa được thực hiện thường xuyên.
Vì vậy, hoạt động tập huấn này hướng tới mục tiêu là hỗ trợ về kiến thức, nâng cao nhận thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, áp dụng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm của các chủ thể thuộc các cơ quan, tổ chức hoặc lĩnh vực có liên quan - những nhân tố quan trọng trở thành báo cáo viên tuyên truyền pháp luật, qua đó giúp các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo và dân tộc thiểu số có cơ hội và có năng lực tiếp cận được các nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, lao động tạo thu nhập, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại Lớp tập huấn, các đại biểu và các giảng viên đã cùng trao đổi hai chiều với phương pháp tập huấn mới theo hướng tương tác tích cực, làm việc nhóm, xây dựng tình huống giả định, thuyết trình,... về các kiến thức, kỹ năng áp dụng vừa mang tính tổng quan, vừa có tính nâng cao về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về dùng tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình để làm tài sản bảo đảm và các lưu ý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm; quy trình và các lựa chọn phù hợp để vay vốn tại ngân hàng và trong đăng ký biện pháp bảo đảm. Ngoài ra, các giảng viên cũng đã đưa ra các bài tập tình huống giả định để các học viên trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Bế mạc Lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Thu Hằng thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP, sự tham gia của tích cực của các chuyên gia, các đại biểu. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cũng mong muốn, trong thời gian tới, cùng với bộ tài liệu Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, các cá nhân đã được tập huấn cơ bản và nâng cao về kiến thức pháp lý, kỹ năng áp dụng pháp luật sẽ là những nhân tố tích cực trong góp phần giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và tăng cường khả năng và năng lực tiếp cận được các nguồn vốn cho các chủ thể này.