Tập huấn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật

(PLVN) - Ngày 30/9, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người khuyết tật.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp và ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác PBGDPL với mục tiêu hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, chú trọng đến các đối tượng đặc thù, trong đó có đối tượng là người khuyết tật.

Nhiều thể chế, chính sách cho người khuyết tật được ban hành như Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Luật Người khuyết tật, Luật PBGDPL, Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 hướng dẫn Luật người khuyết tật… Đặc biệt, ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 977/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân", trong đó xác định mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL phát biểu khai mạc Hội nghị.

Vì vậy, nhằm tập huấn kỹ năng công tác PBGDPL cho đội ngũ lãnh đạo của Hội, lãnh đạo Ban chấp hành Hội khu vực miền Bắc, lãnh đạo Hội tại các quận, huyện trong thành phố Hà Nội, ông Phan Hồng Nguyên hy vọng các đại biểu tham dự hội nghị sẽ tích cực trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho người khuyết tật trong đơn vị mình.

Thông tin về tình hình người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay, ông Đặng Văn Thanh khẳng định công tác PBGDPL cho người khuyết tật là rất cần thiết đề người khuyết tật tự bảo vệ quyền lợi và khuyến khích người khuyết tật tham gia vào đời sống xã hội. Vì vậy, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, nắm bắt các kinh nghiệm về PBGDPL cho người khuyết tật và tiếp tục chia sẻ lại các kiến thức cho các hội viên.

Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên đã trình bày chuyên đề những vấn đề cần lưu ý về nội dung, hình thức PBGDPL cho người khuyết tật. Cụ thể, về nội dung, công tác PBGDPL phải chú trọng khảo sát, nằm bắt nhu cầu của người khuyết tật; phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, liên quan trực tiếp đến người khuyết tật; đồng thời bám sát các vấn đề dư luận, xã hội quan tâm… Về hình thức, phải đổi mới, đa dạng hoá phù hợp với từng dạng khuyết tật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; lồng ghép việc truyền thông, PBGDPL người khuyết tật tại cơ sở, cộng đồng nơi người khuyết tật sinh sống….

Ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Khuyết tật tỉnh Hà Nam đã chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong công tác PBGDPL của Hội như: mỗi nhóm đối tượng khuyết tật có phương pháp tiếp cận và công cụ phổ biến khác nhau; số lượng chuyên gia vừa có kiến thức về pháp luật, vừa hiểu biết nhu cầu đặc thù của người khuyết tật còn ít; thiếu nguồn lực về tài chính…

Ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Khuyết tật tỉnh Hà Nam phát biểu tại Hội nghị.

Để nâng cao hiệu quả của công tác hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho hội viên là người khuyết tật, đồng chí đề xuất đa dạng hoá các phương tiện và hình thức truyền thông (sách chữ nổi Braille, âm thanh cho người khiếm thị; video có ngôn ngữ ký hiệu hoặc phụ đề cho người khiếm thính…); thiết kế các ứng dụng di động, trang web thân thiện hơn với người khuyết tật; hỗ trợ tài chính và xã hội hoá công tác PBGDPL; tổ chức các khoá đào tạo chuyên sâu về pháp luật và kỹ năng truyền đạt thông tin cho người khuyết tật…

Ngoài ra, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, đánh giá nhu cầu về thông tin pháp luật cho người khuyết tật và mức độ đáp ứng hiện nay. Đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hỗ trợ thông tin, PBGDPL cho người khuyết tật; đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL cho người khuyết tật; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ người làm công tác PBGDPL và Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; chú trọng kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết các mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng…

Một số hình ảnh:

Đọc thêm