Tập trung 6 giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội 2011

Tình hình trong nước và quốc tế xuất hiện những khó khăn và thách thức mới, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh 6 giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành chủ yếu của Chính phủ nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay.

Khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đọc Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đại, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Theo nhận định của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, tình hình trong nước và quốc tế đã xuất hiện những khó khăn và thách thức mới, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi, nhưng chậm và chưa ổn định; lạm phát tăng cao, giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu cơ bản tiếp tục tăng. Khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, thiệt hại nặng nề do động đất và sóng thần ở Nhật ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội khu vực và toàn cầu.

Các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011:

Rà soát, sắp xếp lại chi thường xuyên để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011.

Các ngành, các cấp thực hiện các biện pháp tạm ngừng không trang bị ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu…

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm, có kế hoạch giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước…

Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh cấp bách.

(Trích Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 9 – Quốc hội Khóa XII)

Việt Nam tiếp tục gặp phải những khó khăn, thách thức lớn hơn so với năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng cao do cộng hưởng của các yếu tố như lạm phát toàn cầu tăng, nhất là giá lương thực, giá vàng, giá dầu thô và ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.

Cùng với lạm phát, mặt bằng lãi suất trong nước cao, tỷ giá chưa ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết tập trung chỉ đạo, điều hành kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hướng đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh 6 giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành chủ yếu của Chính phủ. Đó là, thực hiện chính sách tiền tề chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ người nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; và đẩy mạnh công tác tư tưởng thông tin, tuyên truyền.

Về nhóm các giải pháp trên, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đánh giá, Chính phủ đã quyết tâm cho tập trung cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đưa ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời, cụ thể với những quyết định mạnh mẽ. 

Theo đó, kiểm soát tổng phương tiện thanh toán còn 15-16%, tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%; giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 5% GDP, nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, rà soát để cắt giảm đầu tư công, không cho tạm ứng ngân sách…

Ông Hà Văn Hiền còn đề nghị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, nhấn mạnh trong điều hành chính sách tài khóa, kiên quyết không chi ngân sách nhà nước vượt dự toán chi đã được phê duyệt, đưa mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP; quản lý chặt chẽ các khoản chi có nguồn gốc ngân sách và việc ứng chi ngân sách nhà nước; tiến hành khẩn trương và kiên quyết việc cắt giảm các dự án đầu tư chưa cần thiết.

Trọng Hùng

Đọc thêm