Từ thực tiễn đến qui định của pháp luật
Đề cập đến thực trạng nhức nhối hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức còn hạn chế, dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật, có khi chỉ từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cuộc sống hay vì những lợi ích riêng, lợi ích của một nhóm... ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội, ông Trần Tiến Dũng cho rằng, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân ở nước ta.
Trong đó, Ngày Pháp luật được quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013 là: “Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Như vậy, sau Hiến pháp có qui định về ngày Quốc khánh, đây là lần đầu tiên có một đạo luật qui định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hàng năm để tôn vinh pháp luật và những người làm công tác pháp luật.
Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2013 được xác định là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm thể hiện đầy đủ tinh thần “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các bản Hiến pháp và công tác xây dựng pháp luật, đồng thời phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Lan tỏa tinh thần pháp luật trong đời sống
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cũng cho biết, 40 quốc gia trên thế giới đã có Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp để thực hiện tuyên truyền pháp luật, tăng cường nhận thức sâu sắc về pháp luật và củng cố nền tảng giá trị xã hội. Ở nước ta, Ngày Pháp luật sẽ lan tỏa ta tinh thần pháp luật trong đời sống thông qua các hoạt động để khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật và vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật...
Để “chào mừng” sự kiện chính trị - pháp lý, ngay từ 4/11 đến 10/11, các hoạt động của tuần lễ Ngày Pháp luật đã được thực hiện với nội dung, hình thức tổ chức rất phong phú, đa dạng, gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của từng Bộ, ngành, địa phương. “Đó chính là điểm tạo nên hiệu quả của Ngày Pháp luật” - ông trần Tiến Dũng khẳng định. Các hoạt động trong tuần lễ Ngày Pháp luật sẽ tập trung chủ yếu tuyên truyền để xã hội nhận thức về Ngày Pháp luật, tạo sự lan tỏa trong xã hội, lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm đưa Ngày Pháp luật trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên, có ý nghĩa cho sự phát triển chung của xã hội.
Riêng ngày 9/11, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện trong các hình thức như: tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tổ chức hội nghị, hội thảo về Ngày Pháp luật và các nội dung liên quan đến chủ đề Ngày Pháp luật phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm tránh lãng phí.
Không đơn thuần là một hoạt động pháp lý, tuyên truyền pháp luật, những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hy vọng Ngày Pháp luật sẽ giúp xã hội hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý với việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; xây dựng được niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân; nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn góp phần đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật của kỷ cương, phép nước. Bộ Tư pháp nhận định: “Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Trần Tiến Dũng lưu ý: “Ngày Pháp luật chỉ là một trong những hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng trong việc tuân thủ pháp luật có nhiều vấn đề nên phổ biến, giáo dục pháp luật phải được làm thường xuyên, đồng bộ, liên tục và bản thân mỗi cá nhân phải tự có ý thức chấp hành pháp luật”.