Trong 10 tháng công tác năm 2018 (từ ngày 1/10/2017 đến ngày 31/7/2018), các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) TP Hà Nội đã thi hành đạt tỷ lệ 64,19% về việc (so với cùng kỳ năm 2017 tăng 1.204 việc và giảm 0,5% về tỷ lệ); đạt tỷ lệ 13,30% về tiền (so với cùng kỳ năm 2017 giảm 507.538.374.000 đồng và giảm 4,59% về tỷ lệ).
Số việc, tiền tồn chưa thi hành còn nhiều, chủ yếu là số việc, tiền chưa có điều kiện thi hành chuyển từ năm này sang năm khác và ngày càng tăng thêm. Số việc chưa có điều kiện hiện nay là 10.545 việc, loại việc này tồn đọng, kéo dài do vướng mắc về cơ chế xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án do người phải thi hành án không có điều kiện để nộp một phần khoản tiền thi hành án để có đủ điều kiện xét miễn, giảm, loại việc này cơ quan THADS vẫn phải theo dõi, xác minh định kỳ.
Số án liên quan đến tín dụng, ngân hàng trên địa bàn TP tăng cả về việc và giá trị phải thi hành. Số việc phải thi hành loại này là: 3.856 việc, số tiền phải thi hành là 19.491.221.886.000 đồng (chiếm 9% về việc và 72% về tiền trong tổng số việc và giá trị phải thi hành). Cơ quan THADS đã huy động mọi nguồn lực để tiến hành xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án để thu hồi tiền cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả thi hành loại việc này đạt thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo đó, đa số các vụ việc thi hành án đều có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cơ quan THADS đã kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng hầu hết chưa bán được, rất ít vụ việc phía tổ chức tín dụng nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án sau lần giảm giá thứ 2 theo quy định của pháp luật dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài, không giải quyết dứt điểm được vụ việc.
Các tài sản bán đấu giá nhiều lần không thành đều là bất động sản, tính thanh khoản rất thấp, thuộc khu vực ít có giao dịch. Khi bán đấu giá, giảm giá nhiều lần vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, có việc bán đấu giá 16 lần vẫn không bán được tài sản dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài và gây tốn kém, lãng phí. Tình trạng này gây ra hệ quả là án có điều kiện nhưng trên thực tế vẫn không thi hành án được, gây áp lực cho cơ quan thi hành án.
Việc giao tài sản đã bán đấu giá thành cũng rất khó khăn, hầu hết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án vì tài sản vẫn do người phải thi hành án quản lý và là chỗ ở duy nhất của người có tài sản, không có nơi ở khác. Hầu hết các vụ việc này người phải thi hành án đều không tự nguyện thi hành, cơ quan THADS muốn giao được tài sản phải tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng.
Tuy nhiên, còn nhiều vụ việc chưa tổ chức cưỡng chế giao tài sản được do chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành chưa thực sự vào cuộc, chưa chỉ đạo quyết liệt việc phối hợp tham gia cưỡng chế giao tài sản làm vụ việc bị kéo dài.
Nhiều trường hợp đối tượng phải thi hành án trong các vụ án liên quan đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần… đến giai đoạn thi hành án thì các doanh nghiệp hầu như đã ngừng hoạt động, không còn ở địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc lãnh đạo bỏ trốn. Thậm chí, nhiều trường hợp cơ quan Thuế đã ra thông báo về việc nợ thuế dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng do chưa có điều kiện thi hành án.
Không những vậy, án kinh tế, tham nhũng gia tăng với tính chất phức tạp, trong đó có những vụ có giá trị phải thi hành án rất lớn, việc xác minh, xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án và xử lý tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc, giá trị thực cả tài sản bảo đảm, hoặc tiền, tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan THADS kê biên, xử lý để thi hành án có giá trị rất nhỏ so với số tiền phải thi hành án.
Do vậy, trong 2 tháng cuối năm 2018, hệ thống cơ quan THADS TP Hà Nội cần tập trung cao độ giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, nâng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời cần tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS các cấp, sự ủng hộ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác phối hợp các ngành, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp trong công tác THADS.
Cơ quan THADS cần kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng để trì hoãn, kéo dài, không tích cực, thiếu trách nhiệm và những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thi hành án. Chủ động xác minh điều kiện thi hành án, tích cực xử lý tài sản, vật chứng để đảm bảo tiến độ thi hành án, đặc biệt là việc chủ động thi hành án.
Đối với những việc đang bán đấu giá nhưng không có người mua, những việc đang làm thủ tục để bán đấu giá và việc đã bán đấu giá thành, cần tiếp tục thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục về bán đấu giá, thẩm định giá, giảm giá và xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng để giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá đúng thời hạn quy định. Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà không có người đăng ký mua thì đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận tài sản để trừ vào nghĩa vụ của người phải thi hành án.