Ngày 14/11 sẽ có kết quả sơ bộ
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN cho biết, ngày 5/11, đoàn kiểm tra của EC sẽ có mặt tại TP.Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến kiểm tra, đánh giá. Sau khi làm việc với Tổng cục Thủy sản và kiểm tra một số địa phương, đến ngày 14/11 sẽ báo cáo sơ bộ kết quả với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước khi quay trở lại Châu Âu.
Dự kiến, khoảng cuối tháng 11, Việt Nam sẽ rõ nỗ lực gỡ “thẻ vàng” có đạt kết quả hay không. Nếu các khuyến nghị của EC đưa ra đã được Việt Nam nỗ lực giải quyết, rất có thể EC sẽ gỡ “thẻ vàng”, trả lại “thẻ xanh” cho ngành thủy sản Việt Nam.
Theo kế hoạch mà đoàn công tác EC thông báo cho phía Việt Nam, đoàn sẽ kiểm tra toàn bộ các kiến nghị đã đưa ra trước đó tại 3 địa phương ven biển có nghề cá một cách ngẫu nhiên chứ không có báo trước.
Ông Luân cho biết, Bộ NN&PTNT đã có Văn bản số 3771 gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo các tỉnh rà soát và khắc phục những tồn tại của EC cũng như chuẩn bị kế hoạch, nội dung chi tiết để làm việc với đoàn thanh tra.
Hiện nay 28 tỉnh, thành phố ven biển đều đã có kế hoạch chuẩn bị nội dung để làm việc với đoàn thanh tra của EC. Được biết, sau khi EU cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam từ ngày 23/10/2017 đã ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành thủy sản Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu (XK) thủy sản vào EU giảm mỗi năm 2,4%. Hiện chỉ còn duy trì ở mức 1,4 tỷ đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, việc EU tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu vào thị trường này đã khiến chi phí tăng lên đối với các doanh nghiệp XK thủy sản, rất nhiều doanh nghiệp đã chịu thiệt hại lớn. Có thể nói, “thẻ vàng” đối với thủy sản đã khiến thị phần giảm, giá trị giảm và XK thủy sản nói chung đều bị ảnh hưởng.
Việt Nam nghiêm túc triển khai khuyến nghị của EC
Trả lời câu hỏi của Báo PLVN về triển vọng gỡ thẻ vàng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã nghiêm túc, khẩn trương triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC. Cụ thể, chúng ta đã hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản năm 2017; 02 Nghị định; 01 Quyết định của Thủ tướng; 08 Thông tư của Bộ NN&PTNT hướng dẫn Luật.
Việc triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã được Bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm trên 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; trong đó, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như: nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 2.019/2.618 tàu cá (77,1%); nhóm tàu cá từ 15m đến dưới 24m là 4.996/28.923 tàu cá (17,3%) và nhóm tàu dưới 15m là 77 tàu cá.
Ngoài ra, đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức gần 20 Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU; 8 tỉnh (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, đã có 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá và chủ trì xây dựng Sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020 - 2025”; Ủng hộ việc xây dựng Sáng kiến của ASEAN về thiết lập mạng lưới chống khai thác IUU do EU tài trợ.
Ngoài ra, công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo Quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 dần đi vào nền nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu. Trong thời gian qua đã hợp tác với 6 nước để xác minh 33 trường hợp về các thông tin liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác vào thị trường EU…
Hiện nay, để khắc phục khai thác hải sản trái phép IUU, công tác kiểm tra, xử lý và công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện, hàng tuần các tỉnh đều có báo cáo về Bộ NN&PTNT (Tổng cục Thủy sản) để tổng hợp và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục cũng như công bố tại tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nêu tên và có những hình thức xử lý, xử phạt đảm bảo tính răn đe, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
“Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý trên 400 trường hợp, phạt 7,1 tỷ đồng. Riêng một trường hợp tại tỉnh Bến Tre có mức xử phạt 800 triệu đồng khi vi phạm IUU. Điều này khẳng định chúng ta phải làm nghiêm, các biện pháp tiến hành đồng bộ, quyết liệt từ Chính phủ tới toàn bộ các địa phương. Không chỉ gỡ được thẻ vàng mà chúng ta còn hướng tới phát triển nghề cá bền vững trong tương lai”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.