Tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(PLVN) - Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để định hình rõ hơn và tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 11/12, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đồng chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ làm công tác thực tiễn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ 2021-2026 nhiệm vụ xây dựng, ban hành Nghị quyết Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần quyết định đối với thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây. Hội thảo này và dự kiến 2 cuộc hội thảo tới đây có mục đích làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn, cốt lõi đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để định hình rõ hơn và tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đến nay, hệ thống pháp luật của chúng ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khai mạc Hội thảo.

Có thể thấy, ở nước ta những giá trị tiến bộ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được thực hiện, góp phần quan trọng bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của đất nước.

Cũng theo Thủ tướng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”.

Biểu hiện cụ thể là: Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Việc chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ; việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn hạn chế.

Bộ máy chính quyền ở một số nơi còn quan liêu; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Cải cách bộ máy nhà nước, đặc biệt là cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước chưa cao…

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đề xuất được những giải pháp mới, có tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đưa vào Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm 2022.

Thủ tướng tin tưởng, với sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, cán bộ làm công tác thực tiễn, Hội thảo sẽ thu được nhiều kết quả tích cực.

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đánh giá cao sự tham gia đầy đủ, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn đã dành thời gian, tâm huyết, thẳng thắn cung cấp nhiều thông tin trao đổi tại Hội thảo.

Chủ tịch nước nêu rõ, qua trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, mặc dù vẫn còn có những điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải, nhưng về cơ bản các đại biểu đã đi đến một số những nhận thức thống nhất. Trong đó, khẳng định “pháp quyền”, “Nhà nước pháp quyền” là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị - pháp lý.

Những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của Nhà nước pháp quyền là: Tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của Nhà nước, theo đó, Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật; Tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của Nhà nước; Tư tưởng đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người.

Để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của Nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của một Nhà nước và xã hội, đòi hỏi phải có Hiến pháp và sự thượng tôn Hiến pháp; tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời và phải có sự phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực Nhà nước, trong đó phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp.

Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập quốc; trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của đất nước.

Chủ tịch nước cũng cho biết, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp và pháp luật có vị trí, hiệu lực cao nhất không chỉ đối với xã hội, mà ngay cả trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, là cơ sở của quyền lực Nhà nước.

Quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Nâng cao trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương…

Các đặc trưng cơ bản đó của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được cụ thể hóa và từng bước được làm rõ hơn, sâu sắc hơn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta và được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội, đặc biệt được thể chế hóa đầy đủ, hệ thống trong Hiến pháp năm 2013.

Chủ tịch nước khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của Nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng. Trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc hiện nay, việc chúng ta tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ của nó phục vụ phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết.

Đọc thêm