Tất bật vào vụ Tết, người trồng đào Nhật Tân thấp thỏm 'ngóng' gió mùa, lo rét hại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng không khí tại các nhà vườn Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã trở nên nhộn nhịp. Người trồng đào tất bật triển khai các công việc để chuẩn bị cho vụ Tết...
Thời điểm này, chủ các vườn đào Nhật Tân đang hối hả chăm sóc, tuốt lá cho đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán 2023.
Thời điểm này, chủ các vườn đào Nhật Tân đang hối hả chăm sóc, tuốt lá cho đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán 2023.

Những ngày này không khí hối hả đã bao trùm mọi ngõ ngách trong làng đào, người thì tuốt lá, nhổ cỏ, người thì đổ đất, tưới cây..., chuẩn bị cho mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm.

Vừa tuốt lá đào, ông Chu Đức Toản (tổ 26, phường Nhật Tân), một người trồng đào lâu năm ở phường Nhật Tân, vừa tâm sự, các con của ông giờ đã ra ở riêng, chỉ còn 2 vợ chồng già chăm sóc. Ông có 1.800 m2 đất trồng 200 gốc đào, chủ yếu đào bích.

Ông Chu Đức Toản (Tổ 26, phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) tuốt lá đào chuẩn bị cho mùa hoa Tết năm nay.

Ông Chu Đức Toản (Tổ 26, phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) tuốt lá đào chuẩn bị cho mùa hoa Tết năm nay.

Gắn bó 45 năm với nghề trồng đào, nên việc chăm đào không chỉ là nghề kiếm kế sinh nhai mà còn là niềm vui tuổi già của ông. Sáng nào ông cũng cùng vợ ra thăm vườn, chăm cây, chuẩn bị cho mùa Tết mới.

Năm nay lá đào dai, khó tuốt do lập xuân muộn, vì vậy chi phí thuê nhân công cũng nhiều hơn. Mỗi ngày ông bỏ ra 300.000 đồng để thuê một nhân công tuốt lá. Cả vườn mất khoảng 50 công, tính ra mỗi vụ mùa như thế này, ông chi khoảng 20 triệu đồng tiền thuê người tuốt lá. Việc tuốt lá tại vườn đã hoàn thiện được 2/3.

Tuốt lá đào đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Những nhân công được thuê tuốt lá đào đều quen việc. Giá thuê mỗi người tuốt lá là khoảng 300 nghìn/ 1 ngày.

Tuốt lá đào đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Những nhân công được thuê tuốt lá đào đều quen việc. Giá thuê mỗi người tuốt lá là khoảng 300 nghìn/ 1 ngày.

Theo ông Toản, năm nay thời tiết rất khó đoán, rét muộn nên từ giờ Tết cần phải có thêm 4 đợt gió mùa đông bắc và thời tiết lạnh dưới 15 độ thì tới Tết đào mới cho ra hoa đẹp được.

Về giá đào năm nay, ông Toản nhận định, sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái.

“Năm ngoái COVID-19 nhưng các vườn đào Nhật Tân lại bán được, năm nay giá cả có thể không thay đổi nhiều. Đối với các gốc lớn, già thì thêm khoảng 1 triệu đồng/cây. Mỗi gốc bích đào cổ có chu vi khoảng 40cm-50cm sẽ dao động 20-30 triệu đồng/gốc. Giá đào rừng sẽ rẻ hơn bích đào cổ khoảng 10-15 triệu đồng/gốc. Đào cành thì rẻ hơn từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng...

Do giá vật tư tăng, giá xăng, giá đất, phân bón tăng nên kéo theo giá đào sẽ nhỉnh hơn một chút so với năm trước”, ông Toản cho hay.

Người dân vườn đào Nhật Tân tất bật với các công đoạn phục vụ mùa quan trọng nhất trong năm.

Người dân vườn đào Nhật Tân tất bật với các công đoạn phục vụ mùa quan trọng nhất trong năm.

Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng đào, anh Nguyễn Hồng Dung, chủ khu vườn có hàng trăm gốc đào thế, đào rừng, đào cành ở Nhật Tân cho hay, từng mất ăn, mất ngủ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Năm nay, vườn của anh đã hoàn thiện công đoạn tuốt lá.

Ngoài chăm sóc cho vụ hoa Tết năm nay, anh Dung còn đốc thúc làm vườn mới phục vụ Tết năm sau, các gốc đào được anh chuyển từ rừng về trồng tại vườn, đổ đất, tưới nước, chuẩn bị cho một vụ mới.

Những gốc đào được anh Nguyễn Hồng Dung đem từ rừng về xuống gốc, chăm bẵm cho vụ Tết năm sau.

Những gốc đào được anh Nguyễn Hồng Dung đem từ rừng về xuống gốc, chăm bẵm cho vụ Tết năm sau.

Còn gần hai tháng nữa đến Tết cổ truyền, người trồng đào như anh Dũng lo ngay ngáy. Theo anh, chuyện được mùa, thắng hay thua vẫn do “ông trời đạo diễn”.

“Nếu từ nay đến Tết, thời tiết duy trì với mức nhiệt khoảng 15 độ C thì người trồng đào coi như được mùa, thắng lớn; Còn nếu trời trở lạnh liên tục, mức nhiệt hạ xuống dưới 10 độ C, không có nắng đào sẽ không nở, người trồng đào coi như mất trắng toàn bộ”, anh Dung nói.

Vườn đào 2.000 m2 nhà ông Chu Văn Dũng - một trong những vườn đào to nhất nhì Nhật Tân, có khoảng 500 gốc đào các loại như: bích đào cổ, bích đào cành, đào thế...

Ông Chu Văn Dũng - chủ vườn đào rộng 2.000 m2 tại Nhật Tân.

Ông Chu Văn Dũng - chủ vườn đào rộng 2.000 m2 tại Nhật Tân.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng đào, ông Dũng cho biết, để có được những cây đào thế đẹp, ra nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào không khác gì “bác sĩ” của cây. Vừa phải tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc như: làm đất, bấm ngọn, tuốt lá… việc chăm sóc vườn đào diễn ra quanh năm, nhưng thời điểm đào bắt đầu ra mắt cho đến khi cận Tết luôn được chú trọng, quyết định đến sự thành bại của cả vụ hoa đào.

Những gốc bích đào cổ đã được xuống lá, đổ đất chuẩn bị cho hành trình "ra hoa" cho dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.

Những gốc bích đào cổ đã được xuống lá, đổ đất chuẩn bị cho hành trình "ra hoa" cho dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.

“Thời gian bắt đầu tuốt lá cần phải chăm sóc cây đào cẩn thận, ngày nào cũng phải quan sát quá trình phát triển của cây, thời tiết để có những điều chỉnh về kỹ thuật. Thời tiết luôn đóng vai trò quan trọng, chiếm 70% đến sự thành công của vụ đào, còn lại phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc của người trồng cây.

Người trồng phải tự đúc kết kinh nghiệm, phải quan sát và nắm được thời điểm nụ hoa như thế nào thì nên cho lên chậu, như vậy thì sẽ cho hoa nở được đúng như mong muốn của khách hàng”, ông Dũng nói.

Đào cành được nhận xét là loại dễ bán và bán chạy nhất trong dịp Tết.

Đào cành được nhận xét là loại dễ bán và bán chạy nhất trong dịp Tết.

Về chuyện kinh doanh, ông Dũng cho biết, hiện tại vườn nhà ông đã có khách quen tới đặt hàng, có khách đặt làm quà biếu, có khách tới lấy đem về tự làm, tuốt lá rồi chuyển đi các nơi.

Riêng với đào cành, theo ông Dũng, phải từ 15/12 âm lịch, khách mới tới xem và mua nhiều. Loại đào cành năm nào cũng rất đắt hàng vì nếu không bán hết thì ra Tết vẫn có người chơi.

Đọc thêm