The Diplomat dẫn lại thông tin từ hãng Kyodo News cho biết, tàu tình báo hải quân Trung Quốc được phát hiện ở phía Tây đảo Kuchinoerabu vào lúc 3h30 sáng 15/6 (giờ địa phương). Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu Trung Quốc đã rời khỏi khu vực này vào lúc 5h00 cùng ngày. Đảo Kuchinoerabu nằm cách đảo chính Kyushu của Nhật Bản chỉ khoảng 38 hải lý.
Đây là lần đầu tiên tàu chiến của Trung Quốc tiến vào lãnh hải của Nhật kể từ năm 2004. 12 năm trước, một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đi vào vùng biển 12 hải lý gần quần đảo Sakishima thuộc tỉnh Okinawa của Nhật. Tuần trước, cũng trong lần đầu tiên, một tàu chiến của Trung Quốc đã tiến vào vùng tiếp giáp của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà 2 nước đang có tranh chấp và hiện do Nhật Bản quản lý.
The Diplomat cho biết, hiện chưa rõ tàu chiến của Trung Quốc có tuân thủ luật pháp quốc tế, mà cụ thể là UNCLOS mà cả nước này và Nhật Bản đã phê chuẩn hay không. Theo Điều 18 của UNCLOS, các tàu chiến của nước ngoài được phép di chuyển “liên tục và nhanh chóng” qua lãnh hải của một nước khác với điều kiện tàu này tuân thủ các quy định về “đi qua vô hại” được nêu trong Điều 19 của bản Công ước. Tuy nhiên, sự việc này tiếp tục chứng minh nhận định rằng Trung Quốc sẽ “hâm nóng” tình hình ở biển Hoa Đông, có thể là để kéo sự chú ý khỏi vùng Biển Đông.
Trong một diễn biến khác, AFP dẫn lời ông Gregory C. Huffman - chỉ huy tàu sân bay John C. Stennis – của Mỹ ngày 15/6 cho biết, một tàu do thám của Trung Quốc cũng đã bám sát để theo dõi tàu John C. Stennis khi tàu này đang tham gia tập trận cùng các tàu chiến của Nhật Bản và Ấn Độ ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương. “Tàu Trung Quốc ở cách tàu của chúng tôi khoảng 7 đến 10 dặm” – ông C. Huffman, cho biết và nói thêm rằng tàu của Trung Quốc đã theo sát tàu của Mỹ từ Biển Đông.
Tàu Stennis tải trọng 100.000 tấn đang cùng 9 tàu hải quân khác, trong đó có 1 tàu sân bay của Nhật và các tàu khu trục của Ấn Độ tham gia tập trận chung ở vùng biển ngoài khơi chuỗi đảo Okinawa của Nhật. Ngoài ra, các máy bay tuần tra săn tàu ngầm từ các căn cứ ở Nhật cũng tham gia cuộc tập trận có tên Malabar này.
Theo một sỹ quan thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản, tàu Stennis sẽ hoạt động tách biệt với các tàu khác để làm “mồi nhử” phân tán sự chú ý của Trung Quốc khỏi cuộc tập trận hải quân chung kéo dài 8 ngày giữa Mỹ - Nhật và Ấn Độ.
Việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận được đánh giá là động thái nhằm củng cố liên minh với các nước đồng minh, hy vọng giúp nước này có thể đối trọng với sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Còn với Ấn Độ, cuộc tập trận này là cơ hội để nước này phô diễn sức mạnh ở vùng biển gần bờ biển phía Đông của Trung Quốc, đồng thời cũng tỏ thái độ cho thấy New Delhi không hài lòng với việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương.