Chở gỗ dăm bằng “chuồng lợn khổng lồ”
5 giờ sáng, những tiếng rền rĩ đinh tai nhức óc phát ra từ máy cưa, máy nghiền phay nhỏ từng thớ gỗ tràm làm náo động cả một vùng quê yên tĩnh. Bến Chi Nê (thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình), nơi tập trung gần chục xưởng sản xuất gỗ dăm của người dân hoạt động hết tốc lực, suốt ngày đêm.
Từ đường mòn, từ rừng núi, những chuyến xe chở gỗ vụn, cây tràm tấp nập được chở về bãi tập kết để “những người thợ xẻ” băm nát thành dăm gỗ vụn cho những chuyến tàu chở hàng đang bập bềnh chờ dưới bến.
Theo người dân bản địa, sông Bồi đoạn từ cầu Chi Nê về hướng Nho Quan, Ninh Bình có đến 6 – 7 xưởng sản xuất gỗ dăm với khoảng 20 công nhân chuyên róc vỏ cây, bốc vác, đứng máy… Là vùng đồi núi nên nguyên liệu tại các nhà xưởng này chủ yếu là gỗ dùng để sản xuất ra dăm gỗ là loại cây keo. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe tải chở gỗ về tập kết tại các xưởng này.
“Ngày nào họ cũng băm gỗ, cũng đưa lên băng chuyền thả xuống tàu dưới sông, mưa cũng như nắng. Để chở được nhiều sản phẩm, các chủ tàu cho cơi nới boong chở hàng bằng cây gỗ, mặc sức đổ dăm gỗ xuống”, một người dân cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, gỗ chở về đây có nhiều loại như gỗ vụn (gỗ thừa sau khi xẻ), gỗ keo đã bóc vỏ và gỗ chưa bóc vỏ. Sau đó, các loại gỗ được chế biến để nghiền thành dăm gỗ và đổ lên tàu để chở đi. Tận dụng trọng tải của tàu, các chủ tàu đều cơi nới, nâng thành tàu cao thêm khoảng 1m và dùng lưới vây xung quanh để chở dăm gỗ. Việc cơi nới này được thực hiện một cách sơ sài, không thấy có cơ quan chức năng nào kiểm soát.
Giữa trưa cuối tháng 7, tàu vận tải biển kiểm soát NĐ 2844 được hoa tiêu hướng dẫn cập bến Chi Nê. Băng chuyền phía trên bãi vật liệu liên tục “nhả” xuống từng mảnh dăm gỗ được xay nhỏ. Trước khi gỗ dăm được vận chuyển bằng băng tải xuống boong, chủ tàu đã cho cơi nới vị trí đổ gỗ dăm bằng những cọc gỗ sơ sài và quây lưới xung quanh. Nhìn từ xa, cả phần tàu chở gỗ dăm như cái chuồng lợn khổng lồ được gia chủ dựng lên một cách tạm bợ.
Vô tư hoạt động
Giống như tàu NĐ 2844, tàu vận tải mang biển kiểm soát TB-1727 cũng nhận được đơn hàng từ các ông chủ, cập bến Chi Nê nhận dăm gỗ từ các xưởng chế biến của người dân bản địa.
Chỉ một buổi sáng, có gần chục con tàu vận tải với trọng tải từ 1000-3000 tấn lướt mặt nước sông Bồn, cập bến Chi Nê chờ nhận hàng gỗ dăm để xuất bến. Chủ đăng ký của các tàu này có biển kiểm soát từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình… Sau khi nhận đủ hàng, các thuyền trưởng cho tàu theo sông chạy qua Ninh Bình rồi đổ dồn về cảng Cái Lân để cho lên tàu vận tải loại lớn, đưa gỗ dăm vượt biển xuất đi nước ngoài.
Khoảng 5 giờ sáng hàng ngày, những con tàu chở cả nghìn tấn dăm gỗ ì ạch rời bến xuôi theo hướng Nho Quan, Ninh Bình. Mang trên mình hàng nghìn tấn hàng nhưng các chủ tàu lại xem nhẹ an toàn cho các hành trình vượt sông quen thuộc.
Nhiều người hiểu biết về an toàn vận tải đường sông cho hay, việc cơi cao xếp dăm gỗ trên boong gây nguy hiểm do vi phạm tính ổn định tàu trên biển khi gặp sóng gió. Mặt khác, dăm gỗ được coi là hàng rời, nên khi cơi cao xếp trên boong không thể áp dụng biện pháp để đảm bảo hàng hóa tạo thành khối đặc vững chắc liên kết chặt chẽ với tàu nên rất hay bị xô, lệch mất cân bằng tàu.
Điều khó hiểu là dù chở hàng cồng kềnh, quá khổ như vậy nhưng những chuyến tàu kềnh càng cơi nới nói trên vẫn vô tư hoạt động hàng ngày như không hề có sự kiểm tra, giám sát?