Dừng, đón, trả khách không quá 2 phút
Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Hà Nội (dự kiến được phê duyệt trong năm nay), TP yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi trình phương án kinh doanh lên Sở GTVT.
Trong phương án này, phải đảm bảo tiêu chí vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng (vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố; vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã còn lại của Hà Nội), màu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca, thời gian giao ca… Ngoài ra, trong một tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian hoạt động trong vùng đã đăng ký tối thiểu 70%.
Dự thảo Quy chế quản lý taxi của Hà Nội nêu rõ, taxi được dừng, đón, trả khách tại điểm đón trả khách cho xe taxi trong thời gian không quá 2 phút. Sau 2 phút, xe taxi phải di chuyển khỏi điểm đón, trả khách. Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại.
Ngoài ra, còn thông qua phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe để quản lý taxi. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội.
Dữ liệu phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội được kết nối với hành khách, lái xe và đơn vị taxi thông qua các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng). Đơn vị taxi, lái xe không được dùng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào phần mềm dùng chung của taxi Hà Nội.
Dự thảo cũng nêu rõ, để đảm bảo công bằng trong kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, Hà Nội sẽ thành lập tổng đài điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn thành phố do Hiệp hội Taxi Hà Nội xây dựng, điều hành, thông qua hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm.
Không quá nhiều xe taxi tập trung hoạt động tại một vùng
Đánh giá việc phân vùng nhằm điều tiết được số lượng xe taxi hoạt động theo từng địa bàn, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Việc đăng ký theo vùng hoạt động không áp đặt đơn vị vận tải phải hoạt động theo vùng cụ thể, một đơn vị có thể đăng ký nhiều khu vực trong một vùng hoạt động”.
Từ đó, Sở GTVT sẽ căn cứ vào phương án đăng ký của đơn vị để điều tiết số lượng xe taxi hoạt động theo từng quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo không quá nhiều xe taxi tập trung hoạt động tại một vùng, gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Bày tỏ sự đồng thuận với các quy định của dự thảo quy chế quản lý taxi của Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Hà Nội đưa ra quy chế này sẽ quản lý được tất cả các loại hình, trong đó có cả taxi công nghệ, đảm bảo các loại hình đã kinh doanh vận tải là phải tuân thủ các điều kiện quản lý của Nhà nước.
“Việc thành lập tổng đài chung, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi vào ứng dụng của taxi Hà Nội bởi xung quanh họ sẽ hiển thị tất cả các hãng và khách hàng có quyền lựa chọn hãng nào, giá thời điểm đi là bao nhiêu thay vì việc chỉ vào ứng dụng của một doanh nghiệp taxi như hiện tại”, ông Hùng nhấn mạnh.