Grab khẳng định: Không ảnh hưởng
Quyết định số 146 của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, từ ngày 01/4/2020 sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, để thực hiện theo Nghị định số 10 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, đối với xe ô tô dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4 nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe taxi thì phải xin cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định.
Các loại hình xe công nghệ như GrabCar, BeCar sẽ thay bằng tên gọi “Xe hợp đồng điện tử”. Loại xe này không bắt buộc gắn hộp đèn nhưng phải dán phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” trên kính và phải thực hiện việc cấp lại phù hiệu và dán cố định trên ô tô kinh doanh vận tải trước 1/7/2021.
Trong khi đó, xe taxi không bắt buộc phải gắn hộp đèn (mào) có chữ “TAXI” trên nóc xe như trước đây mà có thể dán cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu là 6x20cm.
Trả lời báo chí, đại diện Grab tại Việt Nam cho biết, đây là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường hiện nay.
“Chúng tôi đang nghiên cứu Nghị định 10 của Chính phủ để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó.
Nhưng dù lựa chọn phương án nào thì tuân thủ pháp luật và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến”, đại diện Grap tại Việt Nam khẳng định.
Chuyển đổi một năm là quá dài
Đánh giá Nghị định 10/2020, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, về cơ bản Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu cơ bản ý kiến đóng góp của các hiệp hội doanh nghiệp vận tải, chuyên gia giao thông, nhà báo theo dõi giao thông.
“Nhưng để mà nói toàn diện thì vẫn chưa toàn diện, vẫn còn một số cái khó hiểu cho doanh nghiệp và doanh nghiệp muốn hoạt động được phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể”, ông Hùng nói.
Ông Hùng bày tỏ băn khoăn khi trước đây, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng xe hoạt động trên nền ứng dụng tảng công nghệ như taxi là Grab, Uber cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, được người dân ủng hộ.
Chính điều này dẫn tới bùng nổ số lượng các xe ô tô dịch vụ vận tải theo hình thức hợp đồng điện tử khi quy hoạch vận tải hành khách của các tỉnh, thành phố đã được Hội đồng nhân dân các tỉnh thành phê duyệt và có giới hạn số lượng xe.
Số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã có hơn 40.000 phù hiệu cho xe ô tô ứng dụng công nghệ và khoảng 19.000 xe taxi truyền thống, trong khi quy hoạch các phương tiện vận tải của hành khách được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt đến năm 2025, Hà Nội chỉ khoảng 25.000 xe. khiến ông Hùng lo ngại về khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông thành phố.
Cũng theo ông Hùng, Nghị định 10/2020 bắt taxi truyền thống phải chịu 13 điều kiện mới được tham gia vận tải như: đồng hồ tính tiền, hộp đèn,... nhưng Nghị định 10 không nêu rõ xe hợp đồng điện tử này chuyển đổi sang thành xe taxi có phải chịu 13 điều kiện này không?.
Một vấn đề nữa, ông Hùng cho rằng, thời gian chuyển đổi từ xe hợp đồng điện tử sang các loại hình khác trong vòng hơn một năm (từ 1/4/2020 đến trước 1/7/2021) là quá dài, bất hợp lý trong khi, việc thay đổi dán phù hiệu rất nhanh.
“Chúng tôi tính chỉ 3 đến 6 tháng là các doanh nghiệp hoàn thành cấp và đổi 40.000 phù hiệu. Nhưng để đến tận 7/2021 thì hàng chục nghìn xe tư nhân không đăng ký kinh doanh vận tải vẫn tham gia hoạt động vận tải hành khách vẫn thu tiền thông qua nhóm, hội như “Hội lái xe sân bay”, “Hội lái xe đường dài” thế chúng ta kiểm soát thế nào?”, ông Hùng băn khoăn.