Taxi truyền thống đấu với Uber, Grap: Trông chờ “chiếc cầu” chính sách để thay đổi cuộc chiến

(PLO) - Việc ứng dụng hợp đồng điện tử vận chuyển hành khách kiểu Uber và Grab đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, khiến thị phần taxi truyền thống bị giảm đáng kể. Doanh nghiệp taxi truyền thống cho rằng, thực tế họ đang chịu sự bất công và cần được cạnh tranh công bằng.
3 Hiệp hội Taxi đề xuất trên nóc xe hợp đồng phải gắn hộp đèn, logo đơn vị vận tải giống như taxi. (Ảnh minh họa)
3 Hiệp hội Taxi đề xuất trên nóc xe hợp đồng phải gắn hộp đèn, logo đơn vị vận tải giống như taxi. (Ảnh minh họa)

Taxi truyền thống “tố” Uber, Grap tung chiêu “cá lớn nuốt cá bé”

Chia sẻ ý kiến, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cho biết, từ khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Uber và Grap đã núp bóng phần mềm công nghệ, xâm lấn và thao túng thị trường. 

“Với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm và thủ đoạn thương trường dồi dào, hai ông chủ nước ngoài này đã làm rung chuyển thị trường taxi ở Việt Nam, làm đảo lộn mọi kế hoạch – quy hoạch vận tải của các địa phương, thường xuyên lấn át thị trường, tung chiêu “cá lớn nuốt cá bé”, coi thường pháp luật khi tổ chức triển khai hoạt động từ khi chưa có phép. Lúc có phép thì liên tục thực hiện sai phép, từ đó tạo xung đột về thị trường và quyền lợi trực tiếp với taxi chính thống” – ông Hỷ bức xúc.

Cũng theo ông Hỷ, Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 về việc thí điểm loại hình vận tải xe hợp đồng điện tử, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế như đề án được triển khai ồ ạt, không phân cấp, phân quyền, không khống chế được số lượng xe thí điểm dẫn tới việc bùng nổ về số lượng xe tới mức mất kiểm soát.

Cùng chung nỗi niềm, ông Nguyễn Đông Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bày tỏ, sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình hợp đồng điện tử của Uber/Grap, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh việc định danh loại hình này. Bộ GTVT coi đây là loại hình xe hợp đồng nhưng theo ông Hùng, UBer/Grap vẫn tính là taxi thông thường.

Ông Hùng cũng bày tỏ quan ngại việc Uber, Grap phát triển nhanh chóng, đã và đang đẩy nhiều hãng taxi ở Việt Nam đi đến giải thể, phá sản. “Không biết có phải do chính sách Nhà nước đã tạo ra hệ lụy này hay không? Kiến nghị Bộ GTVT cần sớm có điều chỉnh chính sách để ổn định tình hình này. Cần nói thêm theo Luật Cạnh tranh quy định một doanh nghiệp chiếm 30% thị trường được coi là độc quyền. Hiện tại Uber, Grap đã chiếm 70% thị phần Việt Nam liệu đã có thể coi là kinh doanh độc quyền chưa?

Đề xuất gắn logo đơn vị vận tải... trên nóc xe hợp đồng

Để siết chặt quản lý đối với loại hình này, mới đây Sở GTVT Hà Nội đã cấm xe ô tô Uber và Grap giống như loại hình taxi trên nhiều tuyến phố trung tâm.  Cụ thể, với biển cấm “Xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi”, nếu xe hợp đồng dưới 9 chỗ, trong đó có xe Grap, Uber, Limousine chạy vào 13 tuyến phố có biển cấm sẽ bị xử lý. Nếu phát hiện xe công nghệ nào vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử phạt cả hai lỗi không dán hoặc dán logo, biểu trưng không đúng quy định và lỗi đi vào đường cấm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng rất khó để xử lý được loại hình xe này bởi khó có thể phân biệt được xe chạy Grab và Uber với phương tiện cá nhân để có thể xử phạt. Theo ông Tạ Long Hỷ, hầu hết các xe đang chạy cho Grab và Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng riêng, không có logo hay phù hiệu. Vì vậy, những xe này có thể dễ dàng vượt qua các biển cấm dành cho taxi. Như vậy, vô hình trung, taxi truyền thống đã bị đối xử bất công.

Vì vậy, để có một sân chơi công bằng hơn giữa hai loại hình xe này, các hiệp hội taxi đã đề xuất trên nóc xe hợp đồng phải gắn hộp đèn, logo đơn vị vận tải giống như taxi. Cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra xử phạt khi các xe có phù hiệu, nhưng cố tình không dán lên xe theo quy định. Phải xem xét việc Uber, Grab có tuân thủ đúng quy định của pháp luật không. Ngoài ra, các đơn vị vận tải cũng kiến nghị phải được kinh doanh bình đẳng, nếu hạn chế taxi truyền thống thì phải hạn chế Uber, Grap, không thể bên dễ dãi, bên khắt khe.

Đọc thêm