Tây Nguyên “vỡ trận” quy hoạch cây công nghiệp

(PLVN) - Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên - TS.Trần Vinh nói, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đã “vỡ trận” về quy hoạch cây trồng. Cây nào giá trị kinh tế cao thì đua nhau trồng, phớt lờ khuyến cáo của giới khoa học, cơ quan chức năng. Minh chứng rõ nhất là việc ồ ạt trồng hồ tiêu những năm gần đây.
Những năm gần đây, người dân Tây Nguyên tập trung trồng nhiều tiêu nên rất khó khăn về nguồn nước tưới
Những năm gần đây, người dân Tây Nguyên tập trung trồng nhiều tiêu nên rất khó khăn về nguồn nước tưới

Hàng vạn ha cây trồng khô khát 

Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp lớn thứ 2 của cả nước sau Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su. Năm nay, hạn đến sớm hơn so với những năm trước.

Cụ thể, hiện mực nước các hồ đập thủy lợi trên địa bàn đang giảm mạnh từng ngày sau nhiều tháng liền không có mưa và nông dân đang tổng lực bơm nước tưới cho cây trồng. Dòng chảy tại các sông, suối giảm mạnh, nhiều sông, suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trơ đáy.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25-80%, một số sông thiếu hụt trên 90%. Các hồ chứa vào thời điểm này lượng nước chỉ khoảng 62% dung tích. 

Thống kê của ngành Nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, mùa khô năm nay toàn vùng có khoảng 20.000ha cây trồng bị ảnh hưởng (trong đó chủ yếu là cây lâu năm, còn lại một phần nhỏ diện tích là lúa, màu).

Các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Kon Tum, Gia Lai. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có thể bị ảnh hưởng ít hơn. Thời điểm hạn nhất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4. Tình trạng trên xảy ra sau nhiều năm nông dân tập trung phát triển ồ ạt các loại cây trồng cần nhiều nước vào mùa nắng như tiêu, cà phê.

Theo TS.Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đã “vỡ trận” về quy hoạch cây trồng. Cây nào có giá trị kinh tế cao thì người dân đua nhau trồng hàng loạt, không theo quy hoạch, phớt lờ khuyến cáo của các nhà khoa học, cơ quan chức năng. Minh chứng rõ nhất là việc phát triển ồ ạt cây hồ tiêu những năm gần đây.

Tại Đắk Nông, diện tích hồ tiêu khoảng 36.000ha - vượt hơn 2,5 lần so với định hướng quy hoạch. Tại Đắk Lắk, diện tích hồ tiêu cũng đã lên tới 39.000ha, vượt xa so với quy hoạch chung. Tình trạng phát triển ồ ạt hồ tiêu tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước khiến việc chống hạn gặp khó, thậm chí có nguy cơ mất mùa. Trong khi hầu hết các giếng khoan trên địa bàn Tây Nguyên đều bị hụt nước.

Nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp

Phát triển hệ thống thủy lợi và kênh mương dẫn nước sẽ là hướng đi lâu dài của các tỉnh Tây Nguyên trong phòng, chống hạn hán. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là hệ thống công trình thủy lợi ở Tây Nguyên vừa thiếu, lại xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ thể, toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng 2.354 công trình thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới cho khoảng gần 290.000ha cây trồng. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ tưới cho khoảng 214.645ha, đáp ứng hơn 20% nhu cầu tưới tiêu toàn vùng.

Ở Lâm Đồng, trong số 157.000ha cây trồng chủ động được nguồn nước tưới thì hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới cho khoảng gần 60.000ha. Tuy nhiên, qua rà soát, trong số 430 công trình thủy thì có tới 41 công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn.

Để ứng phó với tình hình hạn hán, ngoài giải pháp phát triển thủy lợi thì tại nhiều vùng ở Tây Nguyên, bà con đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác để duy trì sản xuất hiệu quả, bền vững.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh có 28.000ha cây trồng triển khai tưới tiết kiệm (chiếm 10% diện tích canh tác).

Tỉnh Đắk Nông đã ban hành 2 đề án quan trọng về phát triển kinh tế nông nghiệp là: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2018 - 2030, Đắk Nông sẽ đầu tư nguồn vốn gần hơn 13.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Hiện, tỉnh cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây lúa khó khăn về nguồn nước sang cây trồng cạn có nhu cầu nước thấp hơn như khoai lang, bắp, đậu tương, lạc rau màu...

103.224 tỷ đồng quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên

“Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn năm 2030, định hướng đến năm 2050, với tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 103.224 tỷ đồng. Theo đó, các giải pháp cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho trên 1,16 triệu ha đất canh tác; trong đó, nâng diện tích đảm bảo diện tích cần tưới từ công trình thủy lợi đạt 52%; đảm bảo 90% nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp… Cùng đó là đảm bảo tiêu, thoát nước với trận mưa tần suất 10%”.

Đọc thêm