Tê giác một sừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên : Không phải chết tự nhiên?

 Theo báo cáo ban đầu của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, nguyên nhân cái chết của con tê giác một sừng tại VQG là chết tự nhiên. Tuy nhiên, ngày 27/5, Qũy Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF đã công bố phát hiện dấu vết một viên đạn lớn trong chân tê giác, cho thấy nó đã bị giết. Hai kết luận trái ngược nhau, còn cơ quan điều tra nói gì?

 Theo báo cáo ban đầu của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, nguyên nhân cái chết của con tê giác một sừng tại VQG là chết tự nhiên. Tuy nhiên, ngày 27/5, Qũy Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF đã công bố phát hiện dấu vết một viên đạn lớn trong chân tê giác, cho thấy nó đã bị giết. Hai kết luận trái ngược nhau, còn cơ quan điều tra nói gì?

Các mẫu vật của con tê giác một sừng bị giết ở VQG Cát Tiên
Các mẫu vật của con tê giác một sừng bị giết ở VQG Cát Tiên


Chiều ngày 29/4, tổ công tác của VQG Cát Tiên và đại diện WWF đã phát hiện tại nhánh suối chảy ra khu vực Bầu Trâu (thuộc địa bàn xã Gia Viễn, Cát Tiên, Lâm Đồng) bộ xương của một con tê giác một sừng. Theo báo cáo của VQG Cát Tiên, con tê giác này bị chết một cách tự nhiên, không phải bị săn bắn hoặc đánh bẫy. Tuy nhiên, ngày 27/5, WWF khẳng định con tê giác đã chết do bị bắn.

Trước đó, ngày 7/5, khi thu thập mẫu phẩm từ xác tê giác để phân tích ADN, tổ công tác của WWF đã phát hiện một viên đạn nằm kẹt trong xương chân của tê giác. “Viên đạn cắm trong xương và chiếc sừng bị lấy đi có thể coi là bằng chứng cho thấy cá thể tê giác này bị săn trộm để lấy sừng. 98% trường hợp tìm thấy tê giác mà sừng bị lấy mất là tê giác bị giết trộm để lấy sừng” – ông Craig Bruce, chuyên gia của WWF kết luận

Năm 2009, WWF đã tiến hành một cuộc điều tra, khảo sát về loài tê giác một sừng cực kỳ quý hiếm tại VQG Cát Tiên. Chó nghiệp vụ đã được mang từ Mỹ sang để đánh hơi, tìm phân tê giác. Cuối tháng 11, WWF đã công bố kết quả: Sau nhiều ngày khảo sát, các nhà khoa học đã thu được 7 mẫu phân tê giác và gửi các mẫu này tới Đại học Queen ở Canada để phân tích AND, nhằm xác định giới tính và số lượng cá thể. Sau đó các mẫu được gửi về Tổ chức Động vật học của Luân Đôn tiến hành phân tích hóc môn để đánh giá khả năng sinh sản và xác định tình trạng của loài.

 Các kết quả này chưa được công bố thì một con tê giác một sừng đã chết. Như vậy, chỉ sau vài tháng WWF công bố tìm thấy dấu hiệu có tê giác một sừng tại VQG Cát Tiên, loài tê giác cực kỳ quý hiếm chỉ sống ở rừng núi rậm rạp vùng Ujung Kulon (Indonesia) và Cát Tiên (Việt Nam), một cá thể đã bị giết chết. 

Tê giác một sừng của Việt Nam là một trong hai loài tê giác còn lại trên trái đất. Tê giác một sừng không chỉ là tài sản của VQG Cát Tiên mà là tài sản chung của nhân loại. Loài tê giác một sừng được sách đỏ IUCN(2008) xếp ở mức CR (rất nguy cấp), Sách đỏ Việt Nam (2007) cũng xếp mức CR (rất nguy cấp), Đối tượng săn bắt tê giác một sừng sẽ bị khởi tố hình sự. Vậy cơ quan điều tra kết luận gì về cái chết tức tưởi của con tê giác cực kỳ quý hiếm này?

Lam Hạnh

Đọc thêm