Tên đường ở Huế được đề xuất đặt theo tên vua Gia Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở trong và ngoài nước đã gửi tham luận tham gia đóng góp ý kiến về đề xuất này.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử ở Huế, công trạng của vua Gia Long trong lịch sử cần được nhìn nhận một cách khách quan - Ảnh: NHẬT LINH
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử ở Huế, công trạng của vua Gia Long trong lịch sử cần được nhìn nhận một cách khách quan - Ảnh: NHẬT LINH

Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam - chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc - cho rằng cần có sự nhìn nhận một cách khách quan về những cống hiến của vua Gia Long trong dòng chảy lịch sử Việt Nam hiện nay và đề xuất việc đặt tên đường Gia Long ở TP Huế.

Xung quanh đề xuất này, theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, tên vua Gia Long xứng đáng được dùng để đặt cho tên của một con đường chính bề thế nằm trong hệ thống kinh thành Huế.

"Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đã có chủ trương về việc đặt tên đường mang tên Gia Long, nhưng vấn đề hiện nay theo tôi được biết là vẫn chưa tìm được một vị trí đường nào phù hợp" - ông Hoa trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề tọa đàm.

Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết với 18 năm ở ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã có những đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh trong khu vực lúc bấy giờ.

Là người mở đầu cho vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã ổn định và phục hồi nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước sau thời gian dài chiến tranh, loạn lạc.

Ông cũng đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với nhiều đảo, quần đảo ở Biển Đông và đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Vua Gia Long cũng là vị vua cho xây dựng hệ thống kiến trúc kinh thành Huế tồn tại cho đến ngày hôm nay và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo ông Hải, với những công trạng trên, vua Gia Long xứng đáng được tôn vinh ở địa phương và tầm quốc gia nhưng trước hết là ngay trên vùng đất Thừa Thiên Huế - nơi triều Nguyễn đã để lại những kho tàng di sản vô cùng lớn mà ngày nay chúng ta đang kế thừa.

Ngày 31-5, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) ở Huế đã tổ chức tọa đàm khoa học "Công lao và những đóng góp quan trọng của vua Gia Long" nhân kỷ niệm 220 năm ngày vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn lên ngôi hoàng đế.