Tết ấm ở đảo Tiền

(PLO) -  Khi những bông mai, bông đào bắt đầu hé nụ cũng là lúc các con tàu Hải quân đưa những gói quà tết mang theo tình cảm của đất liền vượt sóng gió ra với quân dân trên các đảo tiền tiêu, như nhắn nhủ với các anh và bà con rằng đất liền luôn đứng sau và hướng về 
biển đảo…
Quân dân đón xuân trên đảo Trường Sa Lớn.
Quân dân đón xuân trên đảo Trường Sa Lớn.

1. Có lẽ, không khí tết bắt đầu từ các Quân cảng Hải quân. Bên cạnh tiếng ì ầm quen thuộc của sóng biển là thanh âm rộn rã của lợn gà trên boong tàu. Từng thùng hàng như: gạo nếp thơm, lá dong, lạt buộc, miến dong, măng khô, heo, gà, hoa, quả… được xếp đặt gọn gàng sẵn sàng ra khơi. 

Năm nào cũng vậy, ngoài tiêu chuẩn tết theo quy định của Bộ Quốc phòng, quân và dân Trường Sa, Nhà giàn DK1 còn đón nhận nhiều phần quà xuân của các doanh nghiệp, cơ quan, tỉnh, thành gửi tặng, chủ yếu là nhu yếu phẩm và đồ dùng sinh hoạt ngày tết... 

 

Để đảm bảo hàng sẽ ra với Trường Sa đúng dịp Tết, các đơn vị phải bắt tay chuẩn bị từ rất sớm, bao gồm xây dựng kế hoạch tỉ mỉ việc tiếp nhận quà từ Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, các cơ quan, doanh nghiệp và thân nhân các gia đình ngoài đảo, trên nhà giàn, rồi thì bảo quản, gói ghém đúng quy trình. Và sau đó các con tàu bắt đầu nhổ neo, cắt sóng ra khơi.

 Với hải trình dằng dặc hàng ngàn hải lý, ngày thường đi cả chục ngày, dịp áp Tết đi hết vòng trong điều kiện sóng gió cũng phải gần 30 ngày, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu luôn chủ động, sáng tạo vượt qua để đưa Tết đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. 

Lễ xuất phát đi nhà giàn DK1 tại cảng Hải đội 812.
Lễ xuất phát đi nhà giàn DK1 tại cảng Hải đội 812. 
2. Ở đảo, trên các con tàu, nhà giàn..., dù tinh thần sẵn sàng chiến đấu và độc lập tác chiến của những người lính ở đây luôn rất cao nhưng cũng dễ dàng cảm nhận không khí tết chẳng khác gì đất liền với đủ bánh chưng, thịt lợn, cây mai, cành đào,… đến các trò chơi giải trí như hái hoa dân chủ, thi hát karaoke… 

Chúng tôi không còn cảm giác xa đất liền khi được hòa chung với không khí rộn ràng của những người lính trẻ quây quanh chiếu gói bánh chưng. Lá dong gửi từ đất liền ra, có lẽ chỉ xanh khi các con tàu đến điểm đảo đầu tiên là Trường Sa Lớn và Song Tử Tây..., còn đến các đảo nổi, đảo chìm khác thì lá dong đã... héo quắt. Lính đảo nâng niu từng chiếc, lá rách vẫn tận dụng làm lá gói trong cùng. Thiếu lá dong, lính đảo dùng... lá bàng vuông để gói. Không quy định hình dáng, kích thước, lính đảo khéo tay gói theo tùy thích. 

Gói bánh chưng trên Đảo Trường Sa Lớn
Gói bánh chưng trên Đảo Trường Sa Lớn 
Bánh chưng trên các đảo ở Trường Sa được gọi là bánh chưng ba miền: lính đảo người miền Bắc gói bánh vuông theo khuôn sẵn, lính người miền Trung gói bánh hình tròn, người miền Nam gói bánh dài... như bánh tét, cùng luộc chung một nồi, cùng bày chung một bàn thờ, bên cạnh mâm ngũ quả đón giao thừa. Ai cũng muốn gửi một chút tình cảm quê hương của mình vào chiếc bánh, nên Tết ở đảo Trường Sa phong phú, sinh động lắm....

3. Ăn Tết ở đảo, ai cũng nhớ nhất cái khoảnh khắc chào cờ đầu năm. Đó là hình ảnh hùng tráng và lãng mạn nhất. Ai trong đời từng một lần được chào cờ, hát Quốc ca dưới lá cờ Tổ quốc bên cột mốc chủ quyền chắc có lẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng này. Với tôi, may mắn hai lần được chào cờ vào mồng Một Tết trên đảo, nhưng mỗi lần có một cảm xúc khác nhau mà không lời nào diễn tả nổi và không bao giờ có thể quên.

 
Trong khi đó, trên những con tàu trực tết lênh đênh trên biển, cán bộ, chiến sĩ đón năm mới cùng những đợt sóng cuối năm làm con tàu lúc lắc. Háo hức chờ đón một mùa xuân cùng biển lớn, cán bộ, thủy thủ mỗi người một tay chuẩn bị tết, rồi ngồi bên nhau, cùng hát những bài ca về người lính biển, những tình khúc mùa xuân lãng mạn, cùng kể nhau nghe những câu chuyện xuân ấm áp để  vững lòng hơn trước sóng biển mênh mông.
Những mùa xuân trên biển, đảo đầy ắp tình cảm đã mang đến cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân niềm tự hào dân tộc cùng nhiều kỉ niệm về cuộc sống, về con người và nhất là cảm xúc mùa xuân ầm ào trong tiếng sóng, tiếng gió – một cảm giác khó quên ấy mang đậm chất người lính biển lãng mạn nhưng rất oai hùng../.

Đọc thêm