Tết chỉ vui khi vợ chồng cùng chia sẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một đề tài nhiều người nói đến dịp Tết là nỗi bận rộn, lo toan bất tận của phụ nữ. Nhiều ý kiến cho rằng, ngày Tết có thể đầy cực nhọc, mệt mỏi hay thảnh thơi, ấm áp đều nhờ vào tâm thế sẻ chia của hai vợ chồng, từ những chuyện nhỏ trong nhà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Sợ Tết” vì quá vất vả

Trên một diễn đàn tâm sự dành cho phụ nữ, chị Ngô Phương Ánh (33 tuổi, ngụ Bình Dương) chia sẻ, vợ chồng chị đang có những rạn nứt nghiêm trọng chỉ vì chuyện ăn Tết. Từ khi lấy chồng, mỗi mùa Tết, chị cùng chồng về quê chồng ở một tỉnh miền Bắc Trung Bộ ăn Tết từ 28 Tết đến mùng 3. Sau đó sẽ về quê chị ở Đắk Lắk ăn Tết cho đến mùng 5-6 thì trở lại Bình Dương làm việc. Ở quê chị, việc đón Tết khá giản dị, ấm cúng, cả nhà cùng nhau xúm vào cùng lo toan, cùng dọn dẹp. Nhưng về nhà chồng thực sự đã trở thành nỗi “sợ hãi” của chị.

Theo chị Ánh, ở quê chồng chị vẫn còn nhiều tư tưởng phân biệt nam nữ. Cánh đàn ông ngày Tết đa phần chỉ tụ tập với nhau ăn uống, trà nước. Còn phụ nữ thì lo tất tần tật từ sửa soạn, dọn dẹp, gói bánh, đơm bàn thờ... trước Tết. Trong Tết thì cỗ bàn linh đình, rồi rửa chén dọn dẹp. Chị Ánh cứ về nhà chồng là xắn tay vào làm tối mặt từ trước Tết cho đến tận lúc rời đi. Nhiều hôm, việc túi bụi, chị nhờ chồng giúp mình thì chồng chị từ chối vì sợ cánh đàn ông cười chê.

Năm nay, vì mới được thăng chức, công việc nhiều, mệt mỏi, nghĩ đến việc về quê chồng với núi việc ngày Tết là chị ngán ngẩm. Chị Ánh đề nghị chồng hoặc năm nay đón Tết ở quê chị, sau mùng 3 mới về quê nội nhưng chồng chị nhất định không đồng ý. Chị Ánh lại đề nghị chồng nếu thế thì khi về quê nội sửa soạn ăn Tết, anh cần chung tay giúp chị để chị bớt phần vất vả, anh cũng không đồng ý vì sợ “ở quê đánh giá”. Từ bất đồng ấy, họ bắt đầu cãi vã. Chị Ánh cho rằng chồng gia trưởng, o ép vợ. Còn người chồng thì cho rằng vợ mình ích kỉ, mỗi năm chỉ có chút trách nhiệm với gia đình chồng dịp Tết cũng trốn tránh. Kết quả của cuộc mâu thuẫn bùng phát ấy là phương án, Tết này chị Ánh đưa con gái về ngoại ăn Tết, còn chồng chị thì về nội.

Thực tế, ở thời đại tưởng như “bình quyền” ngày nay, những cảnh như chuyện nhà chị Ánh vẫn diễn ra không ít. Vẫn có những người phụ nữ “sợ” phải về nhà chồng ăn Tết vì đó không phải là những ngày thư giãn nghỉ ngơi sau cả năm trời vất vả, mà lại là thời gian “hành xác” với đủ thứ việc nhà cửa, việc lễ, Tết phải chu toàn, nhất là không có sự đỡ đần từ chồng.

Không chỉ thế, cảnh ăn Tết của nhiều gia đình nhỏ cũng đầy áp lực với người vợ khi phải lo toan đủ đường, còn chồng thì “vô tư” tận hưởng không khí tiệc tùng ngày xuân.

Cần lắm sự sẻ chia

Thực tế, nhiều người vợ không phải “sợ” Tết vì sợ phải lo toan, vất vả cực thân, mà quan trọng là vợ chồng cùng nhau vun vén, chăm lo Tết thì dẫu có vất vả cũng cam lòng. Nhưng nếu chỉ một mình xoay xở, lo toan, trong lúc các ông chồng quá vô tư đến mức vô tâm, bỏ mặc vợ loay hoay thì núi việc ngày Tết càng trở nên “kinh khủng”.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đôi khi, sự vô tâm của các đức ông chồng cũng có phần đến từ sự chấp nhận, cam chịu của những người vợ. Để có được sự chung tay, sẻ chia, đôi lúc người vợ cũng phải biết mở lời, biết xoay chuyển chồng mình.

Chị Cao Thu Nga (quận 10, TP HCM) chia sẻ “kinh nghiệm” của mình: “Hồi mới lấy chồng, còn sống chung với ba mẹ chồng nên tôi ngại lắm, không dám nói gì với chồng, tự mình lo toan hết việc Tết nhất. Đến khi ra riêng anh vẫn quen như thế. Ngày Tết trong khi tôi bù đầu lo dọn dẹp trang trí nhà cửa, mua sắm Tết cho cả nhà, cho từng người, lo cho con... rồi còn công việc ở cơ quan thì chồng tôi cứ thong thả như ngày thường. Anh đi làm, còn có thời gian cà phê với bạn bè, đi ăn nhậu tất niên hết cuộc này đến cuộc khác. Cho đến năm thứ 5 của hôn nhân, tôi thấy quá tải và bất công, nghĩ rằng nếu không thay đổi, cứ để theo thói quen như thế này thì sẽ không ổn. Thế là tôi ngồi xuống nói chuyện với anh, bày tỏ sự mệt mỏi của mình mỗi lần đón Tết và mong muốn anh “thử” giúp mình một năm xem sao. May là chồng tôi lắng nghe, chấp nhận và sau một năm “thử” cùng vợ sửa soạn Tết, từ đó anh đã thay đổi. Giờ đây, cứ Tết là vợ chồng tôi cùng nhau lo toan, Tết nhỏ hay lớn không quan trọng, chứ chung tay là không còn thấy vất vả nữa”.

Thực sự, một cái Tết sẽ trở nên bớt vất vả và vui biết bao nhiêu nếu như vợ chồng, con cái cùng xắn tay vào đón Tết. Có thể cùng chở nhau đi mua sắm Tết, cả nhà cùng trang trí nhà cửa, nấu những món ăn ngon cho Tết, cùng chuẩn bị những món quà cho nội ngoại đôi bên. Một khi đã cùng nhau, thì việc sửa soạn đón xuân, dẫu cho có mất nhiều thời gian, có tất bật thì vẫn mang đầy ắp niềm vui. Nơi nào có sự yêu thương và chia sẻ, nơi đó mới thật sự là có Tết.

Theo tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, vợ chồng có quyền cùng chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Quyền chia sẻ và thực hiện các công việc trong gia đình hiện nay đã được luật pháp quy định và bảo vệ. Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trách nhiệm của vợ chồng là cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Được chia sẻ công việc nhà là quyền lợi và nghĩa vụ của cả vợ và chồng chứ không phải là trách nhiệm của riêng người vợ hay sự giúp đỡ, “làm hộ” của người chồng. Đồng thời, Bộ tiêu chí ứng xử cũng nêu rõ, trách nhiệm của vợ chồng trong cuộc sống bao gồm cả trách nhiệm cùng nhau chia sẻ các công việc trong nhà, chung tay vun vén để tổ ấm thêm đẹp đẽ, hạnh phúc.

Đọc thêm