Dọc theo những gian hàng của khu chợ Trung thu truyền thống phố Hàng Mã – Hàng Lược – Hàng Cân, không khí những ngày này được thể hiện rõ hơn và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô và du khách tham quan.
Từ những món đồ chơi như đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, trống cớm, tò he... với các kiểu dáng giản dị nhưng đã làm bắt mắt, màu sắc vui tươi được nhiều phụ huynh quan tâm mua cho con em mình.
Anh Ngô Văn Vũ (phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy) cho biết: “Trước đây con tôi thường chọn hàng đồ chơi của Trung Quốc, tôi cũng khá e ngại nhưng vì đồ chơi do mình sản xuất không phong phú bằng đồ chơi nước ngoài tuy nhiên giờ con tôi lại thích đồ chơi dân gian hơn vì mẫu mã không thua kém gì nữa rồi.”
Cùng đồng quan điểm với cha mẹ, em Khánh Huyền (6 tuổi) cho biết, em cảm thấy thích thú với đồ chơi dân gian vì có nhiều màu sắc rực rỡ, hình dáng con vật ngộ nghĩnh.
Theo khảo sát của phóng viên báo PLVN, ưu thế của đồ chơi dân gian năm nay đa dạng và nhiều hơn hẳn các loại đồ chơi khác. Tò he từ chỗ chỉ có các hình thù được cắm vào que gỗ thì nay được làm thêm trên đĩa nhỏ, bát nhỏ như mâm ngũ quả hay rừng hoa tươi, có giá dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng.
Hoặc đơn giản như đèn lồng cũng được làm và trang trí đa dạng hơn. với nhiều hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt đặc biệt được thiết kế với nội dung hướng về quê hương, đất nước, giá dao động từ khoảng 10.000 đồng đến 30.000 đồng/1 chiếc tùy kích cỡ. Giá tiền của trống cũng tùy theo loại nhỏ, vừa , lớn, dao động khoảng từ 25.000 đồng tới 300.000 đồng.
Chị Ngân Hà (đường Láng, Hà Nội) cho biết, cuối tuần hai vợ chồng cho cháu nhỏ đi chơi và mua đồ chơi Trung thu. "Ban đầu tôi cũng định mua những đồ chơi khác cho con, nhưng vì muốn con biết và hiểu rằng giá trị truyền thống và nét đẹp của văn hóa dân gian cần phải được lưu giữ nên tôi quyết định mua đèn lồng cho con mình".
Bên cạnh đó, các mặt hàng đồ chơi như: súng nước, bờm công chúa, mặt nạ, không còn được bày bán nhiều. Theo một chủ cửa hàng thì một số loại súng, kiếm, mặt nạ quái dị… dần dần thu gọn, chỉ để phục vụ dịp lễ Halloween theo nhu cầu của giới trẻ, còn các bậc phụ huynh thì không mấy mặn mà với những món đồ chơi bạo lực này cho con em vào dịp Trung Thu.
Từ việc rút kinh nghiệm và nắm bắt tâm lí khách hàng, các nhà sản xuất dường như đã biết cho ra thị trường những mẫu mã đồ chơi thu hút được người tiêu dùng nhất. Các bậc phụ huynh cũng càng thêm phấn khởi hơn vì đồ chơi Việt an toàn hơn rất nhiều so với những thứ đồ chơi không nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường.
Có thể thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí tân tiến, hiện đại ngày nay, người dân có thể thoải mái chọn lựa phương tiện, cách thức giải trí cho con em mình vào mỗi dịp lễ, Tết truyền thống.
Ngoài ra, trẻ nhỏ được tiếp xúc với đồ chơi dân gian vừa giản dị, vừa truyền thống sẽ tác động lành mạnh đến quà trình phát triển cũng như sức khỏe của trẻ. Hi vọng trong tương lai không xa, đồ chơi truyền thống của Việt Nam sẽ dần dần khẳng định được thương hiệu và giữ được vị trí vững chắc trên thị trường.