Bên lề Hội thảo “Cập nhật tình hình kinh tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam” do Ngân hàng ANZ tổ chức ngày 13/11, Tổng Giám đốc (TGĐ) Ngân hàng ANZ tại Việt Nam ông Tareq Muhmood, chia sẻ với báo chí kinh nghiệm quả lý nợ xấu.
- Thưa ông, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm quản lý nợ xấu của ANZ?
- Theo kinh nghiệm của ANZ, để quản lý rủi ro một cách hiệu quả là vấn đề quan trọng. Khi làm việc với khách hàng, chúng tôi phải đánh giá bản cân đối tài chính của khách hàng một cách cẩn thận và rõ ràng nhất có thể cũng như hỗ trợ khách hàng của mình trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Bởi khi khách hàng sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì khả năng thanh toán nợ của khách hàng sẽ tốt, giảm nguy cơ tạo ra nợ xấu trong bản cân đối tài sản của ngân hàng. Và để làm được điều đó thì một mình ngân hàng không thể làm được mà cần phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng và ngoài ra cũng có những hoạt động hỗ trợ cho thị trường, tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn cho khách hàng để họ có khả năng quản lý tốt hơn đối với các khoản đầu tư của mình.
Đối với tất cả các ngân hàng thương mại, khi có một khoản vay có nguy cơ trở thành nợ xấu thì đều phải trích lập những khoản tài kchính dự phòng rủi ro cho khoản vay đó cũng như đưa ra các biện pháp giải quyết các khoản nợ xấu đó. Và khoản dự phòng này cũng cần được linh hoạt sử dụng một cách hiệu quả chứ không để “chết” một chỗ…
- Đánh giá của ông khi một số ngân hàng Việt Nam trích quỹ dự phòng rất thấp?
- Khi xem xét trích lập dự phòng cơ sở thì phải dựa trên vấn đề an toàn vốn của ngân hàng đó. Việc trích lập dự phòng của 1 ngân hàng thương mại không chỉ một ngân hàng đó có thể làm được mà phải dựa trên mối quan hệ đối tác và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Ngân hàng nhà nước. Vấn đề trích lập dự phòng không phù hợp cũng là vấn đề chung của nhiều ngân hàng trên thế giới chứ không chỉ đặc thù ở Việt Nam. Sự quan tâm của đơn vị chức năng trong việc hỗ trợ ngân hàng là hết sức cần thiết.
Tuy vậy, trên thị trường mức độ cạnh tranh vẫn rất là tốt với sự hiện diện của nhiều ngân hàng tốt có nền tài chính lành mạnh, có khả tốt và hoạt động rất hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trong lĩnh vực bán lẻ, trong lĩnh vực tài trợ thương mại cho các DN, cho vay thế chấp để mua tài sản.
- Thưa ông, việc tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam, với kinh nghiệm của ANZ thì phải đảm bảo những nguyên tắc gì?
- Đối với vấn đề về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đòi hỏi vai trò của cơ quan chức năng và bản thân các ngân hàng thương mại, lãnh đạo các ngân hàng phải đưa ra những quyết sách về các vấn đề như năng lực tài chính, vấn đề dự phòng, vấn đề thanh khoản. Như vậy, việc tái cấu trúc không chỉ là yêu cầu của các cơ quan chức năng mà đòi hỏi tự thân các ngân hàng vận động và đổi mới để có thể khắc phục các yếu kém, hoạt động tốt hơn, tự xử lý những tình huống.
Tùy thuộc vào thể chế tài chính từng ngân hàng, từng quốc gia mà quá trình tái cấu trúc có thể diễn ra nhanh hoặc rất lâu. Không có một nguyên tắc chung nào cả.
Bản thân ngành ngân hàng, sự hợp tác giữa các ngân hàng rất quan trọng. việc thường xuyên trao đổi thông tin, dữ liệu sẽ giúp quá trình hoạch định chính sách và quyết định các vấn đề liên quan một cách hiệu quả hơn.
Theo tôi, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, mặt bằng lãi suất đã giảm, lạm phát giảm, tình hình tỷ giá ổn định hơn. Đối với việc cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tạo ra dư địa để chúng ta thực hiện các chính sách cơ cấu các ngân hàng thương mại một cách tốt hơn. Dự địa chính sách tốt hơn thì sẽ kích thích các DN hoạt động tốt hơn, mở rộng sản xuất, xuất khẩu và nó lại tác động trở lại làm cho nền kinh tế vỹ mô có thêm dự địa để tiếp tục triển khai các chính sách.
- Việc tái cấu trúc liệu có tạo ra cuộc đua lãi suất không, thưa ông?
- Bản thân lãi suất được quyết định bởi các yếu tố khác nhau như lạm phát, môi trường tín dụng. Theo tôi, tình hình lãi suất và môi trường tín dụng nhìn chung sẽ ổn định trong thời gian tới đây.
- Xin cảm ơn ông!
Tiến Cường (ghi)