Thả muỗi phòng sốt xuất huyết ở Bình Dương

(PLVN) - Hôm qua, 24/3, những viên nang chứa trứng muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia phòng bệnh sốt xuất huyết được thả tại 2.800 điểm thuộc TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Viên nang chứa khoảng 400 trứng muỗi vằn chứa Wolbachia. (Hình: Lê Phương/vnexpress.net)

PGS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết, hoạt động này nằm trong Dự án Wolbachia (khu vực phía Nam) do Viện phối hợp Chương trình Muỗi Thế giới và một số đơn vị thực hiện.

Muỗi mang Wolbachia làm giảm lây truyền mầm bệnh

Sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia là một phương pháp mới, nhiều tiềm năng nhằm kiểm soát và phòng sốt xuất huyết, bên cạnh các biện pháp như ngủ mùng, vệ sinh nhà cửa, diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi...

Wolbachia là dự án thả trứng muỗi hoặc muỗi vằn mang Wolbachia để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Wolbachia là vi khuẩn tự nhiên hiện diện ở khoảng 60% các loài côn trùng như: chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi; không có biến đổi gene muỗi, an toàn cho người, động vật và môi trường.

Các nghiên cứu đến nay cho thấy, khi muỗi vằn có mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giúp làm giảm lây truyền các mầm bệnh như: sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, virus Chikungunya, sốt vàng da ở người.

Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi. Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều; từ đó, sẽ giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn.

Trứng muỗi vằn chứa Wolbachia sẽ được đóng thành viên nang, mỗi viên khoảng 400 trứng, thả vào những ly nước, còn gọi "hộp thả muỗi", treo ở khoảng 2.800 điểm trong khu vực dân cư theo diện tích 50m x 50m đã được chia sẵn.

Định kỳ khoảng hai tuần, các hộp thả muỗi sẽ được thu hồi và tiếp tục đặt đợt mới. Dự kiến, muỗi được thả liên tục khoảng 20 tuần, đến khi số lượng muỗi mang Wolbachia tăng đủ nhiều, sau đó theo dõi một năm để đánh giá.

Số ca sốt xuất huyết giảm đáng kể tại những nơi thử nghiệm

Tiến sĩ Claudia Surjadjaja, Giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới có tốc độ lây lan nhanh nhất với 40% dân số thế giới có khả năng bị ảnh hưởng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng Wolbachia là một phương pháp hiệu quả trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết.

"Một thử nghiệm ngẫu nhiên theo tiêu chuẩn vàng được thực hiện ở Yogyakarta, Indonesia gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở các khu vực được thả muỗi vằn mang Wolbachia giảm 77% so với các khu vực không thả muỗi", bà Claudia nói.

Số liệu tại Brazil, Colombia và Việt Nam cho thấy số lượng ca mắc sốt xuất huyết giảm đáng kể tại những nơi thả muỗi vằn mang Wolbachia.

Đây là lần đầu muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại khu vực phía Nam, một trong những điểm nóng của dịch sốt xuất huyết. Dự kiến, hôm nay (25/3), muỗi mang Wolbachia sẽ được thả tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Trước đó, muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại đảo Trí Nguyên và xã Vĩnh Lương của Nha Trang, mang hiệu quả cao.

Theo PGS Trung, sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm lây truyền qua muỗi vằn, với tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 90 ngàn ca mắc với khoảng 70% số ca ghi nhận ở khu vực phía Nam. Ước tính hàng năm có hàng trăm nghìn ca không có triệu chứng không được phát hiện, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác, khiến dịch bệnh khó kiểm soát.

Chương trình Muỗi thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận do Đại học Monash của Australia thành lập với mục tiêu bảo vệ cộng đồng toàn cầu khỏi các bệnh do muỗi truyền. Sau nhiều năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên thực địa với kết quả khả quan, chương trình đang hoạt động tại 11 quốc gia trên thế giới.

Tỉnh Bình Dương là vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết và bùng phát dịch theo chu kỳ với số ca mắc tăng hằng năm (từ 4.370 ca mắc/5 ca tử vong năm 2020 tăng lên 5.636 ca mắc/2 ca tử vong năm 2021). Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, các biện pháp truyền thống chưa giải quyết triệt để vấn đề phòng, chống bệnh này một cách lâu dài. Vì vậy, việc ứng dụng một phương pháp mới để phòng, chống bệnh là điều hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, xã hội và nền kinh tế nói chung.

Đọc thêm