Không rõ tuyên bố này là một chiêu đánh bóng tên tuổi, hay có động cơ nào khác. Tuy nhiên dưới khía cạnh pháp lý thì vụ thách cược này có nguy cơ bị phạt hành chính? Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) trao đổi cùng bạn đọc về vấn đề này..
Thưa ông, hành vi cá cược 5 triệu USD liên quan đến “đường bay vàng” có dấu hiệu phạm tội đánh bạc hay không?
Tội đánh bạc được nhận biết qua các dấu hiệu cơ bản sau:
Thứ nhất, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP và Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Đánh bạc được hiểu là nhiều người (ít nhất từ hai người trở lên) cùng tham gia thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật”. Và “Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp”.
Thứ hai, phải xác định được tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc. Tiền hoặc vật dùng đánh bạc theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Từ đó, có thể thấy tuy vị phó giám đốc trên có dấu hiệu hành vi đánh bạc (cá cược) nhưng chưa đủ căn cứ cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc vì hiện nay mới chỉ là “võ mồm”, có một mình cá nhân vị giám đốc này đòi tham gia cá cược, chưa thu giữ tiền hoặc vật dùng để cá cược.
Tuy nhiên BLHS cũng quy định: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt do cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”. Ông lý giải sao về điều này?
Hướng dẫn về phạm tội chưa đạt, Điểm b Khoản 2 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP quy định người chủ động đề nghị sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc chưa đạt vì không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc.
Vậy cá nhân, tổ chức có được phép thách cược với cơ quan Nhà nước hay không?
Cá cược là hình thức biểu hiện của hành vi đánh bạc. Hiện nay, pháp luật chỉ thừa nhận hoạt động đánh bạc hợp pháp tại một số casino cụ thể. Do đó, mọi hành vi cá cược được thua bằng tiền, hiện vật không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Đã không bị xử lý hình sự, vậy người thách cược có bị xử lý hành chính?
Căn cứ Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội thì người có hành vi cá cược 5 triệu USD với Cục hàng không đã có biểu hiện hành vi vi phạm như sau: “Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác” và “Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép”.
Trường hợp có hành vi cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác sẽ bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng.
Trường hợp có hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng. Như vậy ông này có thể bị phạt đến 10 triệu đồng
Đặt giả thiết giao kèo cá cược được các bên giao kết nhưng sau đó bên thua không trả tiền thì bên thắng cược có quyền khởi kiện để đòi tiền?
Thoả thuận cá cược có bản chất là một giao dịch dân sự. Điều 128 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Cá cược là vi phạm điều cấm của pháp luật nên sẽ bị toà án tuyên vô hiệu.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được Điều 137 BLDS quy định như sau: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!