Thách thức chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò quan trọng bởi tính dẫn dắt, lan tỏa của DNNN. Tuy nhiên theo chuyên gia này, thực tế chuyển đổi số trong khu vực DNNN đang gặp nhiều thách thức.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh Linh Linh)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh Linh Linh)

Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước

Phát biểu tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong DNNN: Cơ hội và thách thức" do Báo Điện tử VOV chủ trì tổ chức hôm qua (26/7), ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, địa phương giúp các chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn.

“Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016 - 2020 để tạo ra nền móng vững chắc cho việc CĐS toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030. Để xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số thì không thể không có các DNNN ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh, mà trong đó DNNN phải là đầu tàu, dẫn dắt các DNNN tư nhân và dẫn dắt cả nền kinh tế…” - Phó Tổng Giám đốc VOV nhấn mạnh.

Khẳng định CĐS là xu thế tất yếu, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh vai trò quan trọng của CĐS trong khu vực DNNN bởi 3 yếu tố: Vai trò đầu tàu, tính lan tỏa và tính tiên phong của DNNN. Tuy nhiên theo chuyên gia này, thực tế CĐS trong khu vực DNNN không hề đơn giản mà thách thức lớn nhất từ đó là từ cơ chế, sức ỳ của DNNN.

6 thách thức

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS, Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), CĐS khu vực DNNN đang phải đối mặt với 6 thách thức lớn.

Thứ nhất, khu vực DNNN có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để CĐS, bởi không thể muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, muốn chuyển đổi như thế nào cũng được…

Thứ hai, do sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên chính quá trình này cũng tạo ra nhiều khó khăn trong việc xây dựng lộ trình CĐS, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh.

Thứ ba, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh “Agile” hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.

Thứ tư, CĐS cũng đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các DNNN. Chính vì vậy, CĐS trong các DNNN hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể thay vì tổng thể.

Thứ năm, hiện CĐS đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức đang là một “điểm nghẽn” lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho DNNN thông qua tiến trình CĐS.

Thứ sáu, tiến trình CĐS cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành,...

“Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc CĐS không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện DN sang bản chất kinh doanh mới - trở thành một DN số…” - chuyên gia CĐS của VDCA nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội đã buộc DNNN phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. DNNN ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, quản trị nội bộ…

Thống kê cho thấy có 92% DNNN đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng CĐS trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% DNNN kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ CĐS như giúp giảm chi phí (67%), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)…

Đọc thêm