Thách thức của du lịch ẩm thực Việt Nam sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet đã chỉ ra Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho những du khách độc hành trên thế giới bởi trải nghiệm ẩm thực phong phú và tinh tế. Đáng nói, du lịch ẩm thực được đánh giá là một trong những động lực hàng đầu của du khách sau đại dịch.
Du lịch ẩm thực Việt Nam cần nhiều sáng kiến hơn để tăng tính cạnh tranh.
Du lịch ẩm thực Việt Nam cần nhiều sáng kiến hơn để tăng tính cạnh tranh.

Rất cần các sáng kiến hay

Ít ai biết rằng, ý tưởng du lịch ẩm thực đã tồn tại qua hai thập kỷ. Vào năm 2001, ông Erik Wolf, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới, đã định nghĩa du lịch ẩm thực là “sự theo đuổi và tận hưởng nền ẩm thực độc đáo và đáng nhớ không kể khoảng cách xa hay gần”.

Lúc này, ẩm thực vẫn chưa được nhìn nhận như một loại hình du lịch tiềm năng. Khoảng một thập kỷ sau đó, từ năm 2012 đến 2018, mới bắt đầu xuất hiện các tour du lịch ẩm thực đúng nghĩa để phục vụ đa dạng du khách, bao gồm các chuyến đi kèm theo khoá học nấu ăn, tham quan quy trình sản xuất thực phẩm, dạo quanh ẩm thực đường phố, trải nghiệm về đêm tại các quán pub tại địa phương, đến thăm các vườn nho sản xuất rượu vang, hay thưởng thức đồ ăn tại những nhà hàng sang trọng hoặc “có một không hai”… Đến nay, như một điều đương nhiên, ai cũng hiểu ẩm thực là một động lực quan trọng của du khách. Thậm chí, ẩm thực còn được coi là trải nghiệm chính trong chuyến đi của khách du lịch.

Không phải lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam được vinh danh bởi nền ẩm thực nước nhà. Tháng 11 năm ngoái, Tổ chức World Travel Awards đã công bố kết quả bình chọn Việt Nam là điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Sau đó, ngày 11/12/2020, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hoá”, trong đó tập trung phát triển du lịch bằng hai lĩnh vực thế mạnh là ẩm thực và di sản.

Chính vì vai trò quan trọng của ẩm thực trong lộ trình phục hồi du lịch Việt, các sáng kiến ứng dụng công nghệ vào du lịch ẩm thực rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đã kéo dài gần 2 năm nay. Đáng chú ý, vào đầu tháng 4/2021, Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (WFTA), làng công nghệ du lịch ẩm thực Techfest đã công bố việc thực hiện Dự án bản đồ du lịch Việt Nam sẽ kéo dài đến hết năm 2021.

Các chuyên gia trong nước đánh giá đây sẽ là “kim chỉ nam” về du lịch ẩm thực Việt Nam được phát triển bởi cộng đồng. Lần đầu tiên có một dự án kết nối một mạng lưới khổng lồ của các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực, doanh nghiệp, người dân... Trên bản đồ này, du khách có thể tìm kiếm những đặc sản vùng miền, tương tác với các địa điểm ăn uống hay tương tác với nhau, từ đó lan toả những giá trị văn hoá ẩm thực Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Người dân có thể tham gia vào việc xây dựng bản đồ ẩm thực bằng cách tích cực chia sẻ hình ảnh, video những món ăn mình trải nghiệm với dự án. Những thông tin này sẽ được tổng hợp và thể hiện trên bản đồ Việt Nam theo từng vùng miền.

Qua đó, du khách trong nước hay quốc tế khi du lịch tại Việt Nam có thể “định vị” dễ dàng hơn về hành trình thưởng thức ẩm thực của mình, trong bối cảnh phải chuẩn bị kế hoạch lịch trình cẩn trọng để tránh tác động bởi dịch Covid-19. Doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực cũng có cơ hội để kết nối với nhau và với khách hàng để khẳng định giá trị của mình. Ngành du lịch ẩm thực Việt Nam cũng có thể kết nối với hệ sinh thái du lịch ẩm thực thế giới thông qua mạng lưới chuyên gia và du khách quốc tế, cũng như Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (WFTA).

Dự án bản đồ ẩm thực Việt Nam được đánh giá là rất tham vọng nhưng ngành du lịch Việt Nam đang rất cần những sáng kiến mới mẻ, ứng dụng công nghệ như vậy để sớm “vực dậy” nền du lịch nước nhà, không bị tụt hậu so với bạn bè trong khu vực hay trên thế giới. Chúng ta từng biết đến sự thành công của “xứ sở chùa vàng” Thái Lan với chiến dịch “Bếp ăn của Thế giới”; quốc đảo Singapore được UNESCO vinh danh về ẩm thực đường phố năm 2020; hay những thước phim rất sống động về ẩm thực Nhật Bản và ẩm thực đường phố của Mỹ Latinh trên ứng dụng xem phim nổi tiếng ở Mỹ Netflix với số lượng người dùng lên tới hơn 207 triệu người.

Điều đó cho thấy, mặc dù ẩm thực Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ ẩm thực quốc tế nhưng sự cạnh tranh vẫn còn rất lớn. Nếu không có những sáng kiến hay và đột phá, ấn tượng của ẩm thực Việt có thể sẽ ngày càng phai nhạt.

Mới đây nhất, trong Hội nghị Thượng đỉnh thường niên về du lịch ẩm thực FoodTreX vào cuối tháng 5/2021 được tổ chức bởi WFTA, hơn 70 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia và đóng góp ý tưởng về các thách thức và cơ hội của du lịch ẩm thực thế giới ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần.

Theo đó, ông Barbara Zmrzlikar từ Hội đồng Du lịch Slovenia cho biết đất nước này đang nỗ lực tích hợp các chiến lược xanh và phát triển bền vững trong các hoạt động tiếp thị du lịch ẩm thực. Ông Sean P. O’Rourke từ EA Tour Specialist (trụ sở tại Tây Ban Nha) khẳng định cách phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực mới mẻ và sáng tạo tại điểm đến chính là yếu tố quan trọng để các công ty lữ hành hướng khách hàng của mình đến trải nghiệm.

Còn bà Chantal Cooke – chuyên gia của Panpathic Communications (trụ sở tại Anh), bổ sung thêm việc bối cảnh đại dịch khiến việc chia sẻ thông tin trở nên khó khăn hơn, do vậy các quốc gia cần có những cách tiếp cận mới mẻ hơn để tối ưu hoá hiệu quả quảng bá thông điệp du lịch ẩm thực đến thế giới.

Trải nghiệm ẩm thực tại một chợ truyền thống ở Ý.

Trải nghiệm ẩm thực tại một chợ truyền thống ở Ý.

Chợ ẩm thực truyền thống tại Morroco.

Chợ ẩm thực truyền thống tại Morroco.

Du khách ẩm thực sẽ ngày càng khó tính

Có thể thấy, sau khi đại dịch được kiểm soát trên thế giới, hầu như tất cả các quốc gia đều “tung ra” những lời mời gọi hấp dẫn du khách đến với nước mình để mau chóng làm sôi động trở lại hoạt động du lịch. Khi ấy, trước vô vàn sự lựa chọn, du khách ẩm thực có quyền được “khó tính” hơn. Do đó, các ngành du lịch nước ta cần nắm bắt được sự thay đổi thị hiếu của các du khách trong các bối cảnh “bình thường mới” nhằm phát triển chiến lược thu hút phù hợp.

Theo một nghiên cứu của GS. Barry O’Mahony thuộc Trường Đại học Quản trị Khách sạn Lausanne (Thuỵ Sĩ) về cách thu hút các du khách ẩm thực, dựa trên việc khảo sát nhiều blog ẩm thực nổi tiếng trên thế giới, động lực chung rõ ràng nhất của mọi du khách ẩm thực chính là hương vị thức ăn. Có những du khách yêu thích ẩm thực của một nơi đến nỗi họ có thể trải qua hàng trăm, hàng ngàn cây số đến đó chỉ để thưởng thức một món ăn, đồ uống nhất định.

Tiếp theo đó là trải nghiệm văn hoá – xã hội tại địa điểm ăn uống, ví như di sản bản địa, các cửa hàng lưu niệm độc đáo, chợ bán nông sản tại địa phương, các sự kiện văn hoá, cảnh quan và nhịp sống ở nông thôn,… Đơn cử, được ăn tối với người dân địa phương là một trải nghiệm đáng chờ đợi từ chia sẻ của nhiều du khách, bởi qua đó họ có thể cảm nhận được sự thân thiện của cộng đồng địa phương, vừa được thưởng thức các món ăn bản địa tại nhà của người dân.

Ngoài ra, những dịch vụ du lịch ẩm thực được quy hoạch chỉn chu cũng là một điểm cộng, ví dụ như những làng sản xuất ẩm thực truyền thống, các chợ nông sản dành riêng cho khách du lịch… Cuối cùng, phương pháp quảng bá hiệu quả của địa phương nhằm giới thiệu ẩm thực vùng miền sẽ tăng thêm sức hấp dẫn của điểm đến với du khách, khiến họ thực sự ao ước được đến tận nơi để thưởng thức ẩm thực và tham gia những hoạt động văn hoá đa dạng.

Như vậy, điểm đến thú vị, ẩm thực hấp dẫn là chưa đủ, các doanh nghiệp địa phương và cơ quan quản lý du lịch cần cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ khác liên quan đến ẩm thực để tối ưu lợi ích từ loại hình này. Ví dụ, du khách đến Morroco có cơ hội nếm thử các món ăn địa phương trong môi trường truyền thống, tại những làng ẩm thực hay nhà hàng nấu thức ăn bản địa đã tồn tại lâu đời.

Một chiến lược khác mà rất nhiều nhà quản lý điểm đến, kinh doanh du lịch trên thế giới đã áp dụng thành công là tạo cơ hội cho du khách ẩm thực giao tiếp và kết nối với những người đam mê ẩm thực khác ở địa phương.

Cụ thể một số mô hình đã áp dụng tại Thụy Sĩ như tổ chức các chuyến tham quan thiên nhiên và tìm hiểu ẩm thực do các đầu bếp nổi tiếng hướng dẫn, hoặc tham gia các lớp học nấu ăn do các đầu bếp địa phương tổ chức. Trong mỗi trải nghiệm, du khách và người bản địa có thể cùng nấu ăn và thưởng thức món ăn của mình để gia tăng sự thấu hiểu.

Đọc thêm