Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN được tổ chức hôm qua (5/5) nêu rõ, năm 2013, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả khích lệ, phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước, nhưng trước nhiều biện pháp PCTN quyết liệt, tham nhũng vẫn là vấn đề rất bức xúc, nhức nhối trong xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN - nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc về PCTN được tổ chức kể từ sau khi Bộ Chính trị lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Vì vậy, Hội nghị này hết sức quan trọng, sẽ đánh giá, tổng kết toàn diện về công tác PCTN thời gian qua, từ đó đóng góp các ý kiến, các tham luận về phương hướng, nhiệm vụ công tác nhằm tạo quyết tâm cao, làm chuyển biến tình hình PCTN trong thời gian tới.
Thúc đẩy thêm một bước công tác đấu tranh PCTN
Đó là mục tiêu được đặt ra cho Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN. Qua kết quả của công tác PCTN năm 2013 với việc điều chỉnh một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã bước đầu phát huy được hiệu quả trong việc hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng, tập trung đẩy mạnh công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, nhất là đối với nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm... Những kết quả trên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, “đã thể hiện quyết tâm cũng như khả năng PCTN của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, trong đó phải kể đến một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp. Việc khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu PCTN. Năng lực phát hiện tham những qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn rất yếu. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp; chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN...
Đặc biệt, chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN; chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo tham nhũng; việc khen thưởng người có thành tích PCTN còn biểu hiện hình thức... nên theo kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2013, quyết tâm từ phía người dân trong phòng, chống tham nhũng có xu hướng giảm dần.
Thực tế, những người là nạn nhân của tham nhũng quyết định không tố cáo vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có tới 48,4% cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì; 8,9% sợ bị trù úm, trả thù; 11,8% cho rằng thủ tục tố cáo quá rườm rà; khoảng 16% không biết tố cáo thế nào; và số còn lại hoặc đưa ra những lý do khác, hoặc từ chối trả lời.
“Đây là dấu hiệu không mấy tích cực đối với hiệu quả quản trị ở cấp quốc gia và địa phương, bởi nó cho thấy các thiết chế và thể chế (trong đó có Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo) khuyến khích người dân tham gia PCTN thông qua khiếu nại, tố cáo các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức ít có hiệu lực trên thực tế” - Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cảnh báo.
Chỉ số PAPI còn cho thấy tình trạng tham nhũng “vặt” với việc đưa “lót tay” để có được việc làm trong khu vực công, hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ ở bệnh viện tuyến huyện/quận còn phổ biến, giải quyết vấn đề vòi vĩnh, hối lộ ở các trường tiểu học vẫn còn là thách thức lớn đối với tất cả các tỉnh/thành phố, yếu tố thân quen vẫn đóng vai trò quyết định trong xin việc ở cấp xã/phường...
Khả năng chịu đựng sự “vòi vĩnh” của cán bộ, công chức đối với người dân dường như gia tăng qua thời gian. Khi được hỏi về số tiền đòi hối lộ phải lớn tới mức nào, người dân bắt đầu tố cáo cán bộ UBND xã/phường hoặc công an xã/phường “vòi vĩnh”, trung bình toàn quốc, mức tiền đó tăng mạnh từ 5,11 triệu đồng năm 2012 lên đến 8,18 triệu đồng năm 2013.
Đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng
Công tác PCTN tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Do đó, Hội nghị xác định trong thời gian tới, các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của Nhà nước; công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính, kinh tế và hình sự các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao, như quản lý sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng; thuế, hải quan; cấp phép đầu tư; quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; lĩnh vực tư pháp; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; thực hiện các chính sách xã hội v.v...
Các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tập trung vào các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Các cấp ủy chú trọng chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tăng cường phối hợp trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương.
Thời gian qua cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật PCTN tới người dân giảm nhẹ qua các năm. Báo cáo PAPI 2013 cho thấy, tỉ lệ người được hỏi biết đến Luật PCTN trên toàn quốc giảm xuống còn 40% năm 2013 từ 44,11% năm 2012 và 42,45% năm 2011. Trong khi đáng lưu ý là những người trả lời biết đến Luật PCTN thường tin hơn vào mức độ nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương. Do đó, quan trọng hơn cả là các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN để thúc đẩy hiệu quả công tác PCTN.