Thách thức trong xây dựng Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những thách thức khi xây dựng Quy hoạch điện VIII là chuyển đổi sang ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, vừa đảm bảo mục tiêu đủ điện cho toàn bộ hoạt động nền kinh tế, vừa phải đảm bảo lộ trình để thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
Hàng trăm ngàn MW điện gió được đề nghị bổ sung Quy hoạch điện VIII.
Hàng trăm ngàn MW điện gió được đề nghị bổ sung Quy hoạch điện VIII.

Còn nhiều bất cập

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, trước mắt, tập trung cao cho Quy hoạch điện (QHĐ) VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi cả về chất lượng và tiến độ, ngành Công Thương cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, qua rà soát dự thảo cho thấy một số bất cập như tổng công suất nguồn điện theo danh mục dự kiến đến năm 2030 khoảng 180.000MW, cao hơn nhiều so với dự báo nhu cầu điện, dẫn đến dự phòng công suất nguồn điện rất cao.

Việc phân bổ quy hoạch nguồn điện giữa các vùng, miền chưa thực sự hợp lý, dẫn đến quy hoạch lưới điện truyền tải liên vùng cao, yêu cầu vốn đầu tư lưới điện truyền tải và phân phối rất lớn. Quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030 khoảng 47.000MW vẫn còn cao so với yêu cầu mới về dịch chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT).

Trong khi theo dự thảo QHĐ VIII, tổng công suất nguồn điện đang cao so với nhu cầu, cần phải rà soát giảm thì nhiều địa phương, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị bổ sung quy hoạch nhiều dự án nguồn điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất lên tới 283.000MW. Như vậy, để đảm bảo tính khoa học, hiệu quả tổng thể và an toàn hệ thống, QHĐ VIII khó có thể đáp ứng hết nhu cầu của các doanh nghiệp, các địa phương.

Song song đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát lại các phương án tính toán, quy định về điều độ hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả chung, tổng thể của toàn bộ nền kinh tế. Đẩy mạnh việc xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế chính sách về thị trường điện cạnh tranh, cơ chế chính sách phát triển NLTT để vừa đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26. “Đây là mục tiêu liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp…. nhưng chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang NLTT giữ vai trò quyết định và được các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bài toán không dễ

Theo nhiều chuyên gia ngành điện, việc chuyển đổi sang ưu tiên sử dụng NLTT với tình thế ở Việt Nam không hề đơn giản. Và đây là thách thức cực lớn với đội ngũ xây dựng QHĐ VIII, khi vừa phải đảm bảo mục tiêu đủ điện cho toàn bộ hoạt động nền kinh tế, vừa phải đảm bảo lộ trình để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng về 0 (cam kết Net Zero) tại COP26, lại vừa tính toán để làm sao giá điện phải đảm bảo ổn định, không tăng trong giai đoạn kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi sau những tác động của dịch Covid-19.

Một chuyên gia cho biết, QHĐ VIII đã được trình đến 4-5 lần nhưng vẫn buộc phải chỉnh sửa theo các góp ý của giới chuyên gia và cam kết của Chính phủ. Trong khi đó, nếu chỉnh sửa QHĐ VIII theo lộ trình phát thải Net Zero về 0% vào năm 2050 thì phải tăng mạnh việc sử dụng điện NLTT. Nhưng để có thể tăng công suất điện NLTT lại cần có một lượng công suất điện cao gấp nhiều lần các nguồn điện khác (như khí, than…) để đảm bảo dự phòng được trong trường hợp điều kiện thiên nhiên không ổn định.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh sử dụng NLTT cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn điện này chỉ có nhiều ở khu vực Nam Trung Bộ, trong khi khu vực này nhu cầu phụ tải thấp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng chỉ thẳng ra những bất cập trong việc phát triển NLTT hiện nay. Chính từ sự bất cập này mà nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió chỉ sử dụng được 30-40% công suất. Điều này đòi hỏi xây dựng đường truyền tải liên miền để có thể tận dụng tất cả nguồn lực của nguồn NLTT.

“Dự thảo mới nhất của QHĐ VIII lại đang giảm chi phí đầu tư cho truyền tải điện, với quan điểm hạn chế tối đa đầu tư đường dây và thất thoát trong công tác truyền tải. Và đã giảm hơn 6.600km đường dây truyền tải, tương đương khoảng hơn 250.000 tỷ đồng đầu tư. Ngoài ra, có đến hàng trăm nghìn MW điện NLTT, điện khí được đề nghị bổ sung vào QHĐ VIII càng khiến cho việc chỉnh sửa QHĐ VIII rối bời nên dễ hiểu vì sao mà Bộ Công Thương đến nay vẫn chưa thể trình dự thảo như yêu cầu” - vị chuyên gia này chia sẻ.

Đọc thêm