Nữ Thủ tướng đầu tiên của Italia Giorgia Meloni tiếp quản “ghế nóng” khi đất nước đứng trước hàng loạt cuộc khủng hoảng chồng chéo. Giới chuyên gia nhận định, chính phủ mới sẽ tập trung vào các chính sách trong nước, phù hợp đường lối chính trị của bà Meloni là “Italia trên hết”. Vốn bị dư luận đánh giá là còn khiêm tốn về kinh nghiệm lãnh đạo, bà Meloni đã thành lập bộ máy chính phủ với một số gương mặt kỳ cựu. Điều này phần nào làm yên lòng các đối tác của Italia.
Theo đó, ông Giancarlo Giorgetti thuộc đảng Liên đoàn, người từng phục vụ dưới thời chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Draghi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế. Cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani của đảng Forza Italia được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
Người dân Italia và cộng đồng quốc tế đang trông chờ chính phủ mới có năng lực giải quyết một loạt vấn đề nóng, từ y tế, kinh tế đến đối ngoại. Giống như những người tiền nhiệm, Thủ tướng Meloni phải đối mặt một bài toán hóc búa, dai dẳng là vực dậy nền kinh tế trì trệ với nợ công ở mức hơn 150% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Lạm phát phi mã cùng chi phí năng lượng tăng cao do các căng thẳng địa chính trị tại khu vực càng tăng thêm độ nan giải cho bài toán này. Tỷ lệ lạm phát ở Italia đã tăng lên mức 8,9% vào tháng 9 vừa qua. Hiệp hội công nghiệp Confindustria của Italia mới đây hối thúc chính phủ cung cấp thêm gói cứu trợ trị giá từ 40-50 tỷ euro để ngăn hàng nghìn công ty rơi vào cảnh phá sản do giá năng lượng tăng cao.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Cerved, tại thành phố công nghiệp Terni, có đến 24,5% trong số 16.000 công ty được khảo sát đứng trước nguy cơ phá sản trong tương lai gần. Gần 70% số người dân Italia được hỏi cho biết họ có kế hoạch giảm chi phí mua sắm vào cuối năm nay khi đối mặt với lạm phát và giá năng lượng tăng mạnh.
Chính phủ mới của Italia cũng phải thực hiện một nhiệm vụ cấp bách khác là tiến hành những cải cách đã cam kết để được Liên minh châu Âu (EU) giải ngân khoản quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19, với tổng giá trị lên tới hơn 200 tỷ euro.
Trước đó, người tiền nhiệm của Thủ tướng Meloni đã bảo đảm việc giải ngân khoảng 70 tỷ euro trong nhiệm kỳ của mình. Mới đây, bà Meloni để ngỏ rằng, một phần nhỏ của khoản hỗ trợ này có thể được chuyển hướng sang mục đích giúp đỡ người tiêu dùng Italia trong cơn bão giá hiện nay.
Về đối ngoại, hiện những chính sách của Chính phủ Italia ít nhiều vấp phải sự hoài nghi của các đối tác. Sự hoài nghi này rõ ràng có cơ sở bởi đối với EU, một chính phủ cánh hữu mới ở Italia có thể dẫn tới những xung đột với khối này về các vấn đề như chính sách di cư, chính sách đối ngoại liên quan tình hình Ukraine...
Mặc dù tân Thủ tướng Italia tuyên bố không theo đuổi các chính sách cực đoan như đưa Italia ra khỏi EU thì những quan điểm cứng rắn trong vấn đề di cư của bà Meloni cũng có thể đi ngược lại với tinh thần chung của toàn khối. Mới đây, cả Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác mang tính xây dựng với chính phủ mới của Italia nhằm ứng phó những thách thức chung.
Người dân kỳ vọng rằng, những biện pháp cải cách của chính phủ sẽ thổi một làn gió mới và đưa Italia vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
* Tiêu đề bài viết do Báo Pháp luật Việt Nam đặt lại