Thái Nguyên chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông

(PLVN) - Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện còn 11 xóm khó khăn của huyện Võ Nhai chưa có sóng 3G, 4G.
Người dân xóm Na Bả, xã Phương Giao (Võ Nhai), sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật tin tức.

Ngành Thông tin và Truyền thông của tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, giúp người dân tiếp cận thông tin, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân vùng khó tiếp cận thông tin kịp thời, đáp ứng nhu cầu đời sống, học tập.

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thái Nguyên tích cực hiện đại hóa hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình trả tiền. Trong đó, VNPT Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên và Mobifone Thái Nguyên, FPT Thái Nguyên là 4 doanh nghiệp có thị phần lớn đang đầu tư và phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn.

Nhằm khắc phục tình trạng lõm sóng di động hoặc sóng chưa ổn định, giai đoạn 2021-2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông: VNPT Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên xây dựng thêm 312 điểm thu phát sóng di động (trạm BTS) theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông di động.

Thái Nguyên tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông đối với các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Xóm Cao Biền, xã Phú Thượng và xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung đều của huyện Võ Nhai; xóm Ba Họ, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương; xóm Cà Đơ, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa...

Nếu như năm 2021, toàn tỉnh có 120 xóm chưa được phủ sóng băng rộng di động mặt đất (3G, 4G), 82 xóm chưa có hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định, thì đến nay toàn tỉnh chỉ còn 11 xóm, thuộc 5 xã của huyện Võ Nhai chưa có sóng 3G, 4G, 100% xóm đã có cáp quang.

Theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: "Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để xây dựng các trạm BTS nhằm xóa vùng lõm sóng di động, song việc đầu tư hạ tầng viễn thông tại các khu vực này còn những khó khăn nhất định. Hầu hết các xóm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình núi cao hiểm trở, người dân sinh sống rải rác trong các khe núi, chân núi nên phạm vi phủ sóng không đảm bảo đến 100% dân cư.

Trong khi đó, sự đầu tư của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào chủ trương của tập đoàn, tổng công ty nên cũng phải tính toán đến hiệu quả kinh tế. Ở một số khu vực, doanh nghiệp đầu tư trạm BTS mới 100% công nghệ 4G, nhưng người dân chỉ có điện thoại di động dùng được mạng 2G, 3G, hoặc người dân sử dụng của mạng này nhưng tại khu vực sinh sống lại có sóng của nhà mạng khác”.

Ông Lý Tài Liên, Trưởng xóm Kẹ, xã Liên Minh (Võ Nhai) thông tin: “Toàn xóm hiện có hơn 110 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao. Những năm gần đây, đời sống của bà con đã được cải thiện, nhà nào cũng có điện thoại di động. Tuy nhiên, những chiếc điện thoại này chỉ phát huy tác dụng khi ra ngoài xóm, còn trong xóm, người dân vẫn nói đùa với nhau “điện thoại không khác gì đồ chơi" vì không có sóng. Điều này không chỉ khiến việc trao đổi, nắm bắt thông tin của bà con gặp khó, mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế.

Thực tế cho thấy, để xóa các vùng lõm sóng di động cần sự vào cuộc của cả doanh nghiệp, chính quyền và người dân. Với quan điểm này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đề xuất với tập đoàn, tổng công ty (đơn vị chủ quản) quan tâm, đầu tư phủ sóng đối với các xóm, bản còn lại.

Đồng thời, Sở cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông danh sách các xóm, bản đặc biệt khó khăn chưa có sóng di động trên địa bàn tỉnh để sử dụng Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư tại các khu vực đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông dọc đường, phố, hè phố, cầu, cống, đường giao thông, hạ tầng chiếu sáng, cấp nước, thoát nước. Phối hợp với các địa phương tìm vị trí xây dựng các cột BTS phù hợp, vận động nhân dân hiến đất xây dựng cột BTS, giảm một phần chi phí đầu tư và duy trì của doanh nghiệp.

Với những giải pháp cụ thể, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 90%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 94%; 100% xóm được phủ sóng di động băng thông rộng…

Toàn tỉnh hiện có 1.800 trạm BTS, cung cấp dịch vụ di động 2G, 3G, 4G; mạng lưới cáp quang được kéo đến 100% xóm, 99,8% xóm, bản được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet và truyền hình qua cáp quang.

Tổng số thuê bao điện thoại di động là trên 1,7 triệu, đạt xấp xỉ 134 thuê bao/100 dân (nhiều người sử dụng từ 2 thuê bao trở lên); tổng số thuê bao truy nhập Internet cố định băng rộng qua cáp quang là 268.000 thuê bao (tăng 38% so với năm 2020), tương đương 75% hộ gia đình đã sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng.

Đọc thêm