Thái Nguyên hướng tới du lịch bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nhiều di tích lịch sử và nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực độc đáo. Phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả là mục tiêu tỉnh Thái Nguyên hướng đến.
Hồ Núi Cốc là điểm đến nổi tiếng Thái Nguyên.
Hồ Núi Cốc là điểm đến nổi tiếng Thái Nguyên.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân, Thái Nguyên là vùng đất trù phú có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê.

Trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những địa điểm như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Tỉnh Thái Nguyên hướng tới du lịch xanh, bền vững.

Tỉnh Thái Nguyên hướng tới du lịch xanh, bền vững.

Lộ trình đến năm 2025, ngành du lịch Thái Nguyên đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030 đón 5,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỷ đồng/năm.

Từ năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai chủ trương xây dựng ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Đặc biệt, từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên cũng thường xuyên tổ chức hội thảo dành cho doanh nhân làm du lịch, tìm ra những mặt hạn chế, tìm giải pháp cho phát triển ngành du lịch Thái Nguyên.

Để mời gọi nhà đầu tư, tỉnh chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận đầu tư du lịch và các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch; ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng, nhất là những tuyến đường kết nối khu, điểm du lịch với các tuyến du lịch hiện có và các khu du lịch, điểm du lịch.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường liên kết với các địa phương đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh, liên kết với các địa phương trong khu vực miền núi phía bắc xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế có tiềm năng.

Để không lãng phí nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, và để du khách không bị thiệt thòi khi đến Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tích cực phối hợp với Cục Du lịch Việt Nam và các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch; hằng năm tổ chức đoàn tham gia Chương trình qua những miền di sản Việt Bắc.

Thái Nguyên cũng có nhiều chương trình xúc tiến du lịch với tỉnh Bắc Giang để tạo nên những gói du lịch hấp dẫn trong thời gian tới.

Khu cắm trại bên suối được du khách yêu thích khi ghé Thái Nguyên.

Khu cắm trại bên suối được du khách yêu thích khi ghé Thái Nguyên.

Nói về tiềm năng và phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, Phó cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Thái Nguyên có tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng. Để thu hút du khách trong thời gian tới, du lịch Thái Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kể cả chất lượng khách sạn, chất lượng hướng dẫn viên, chất lượng doanh nghiệp du lịch để cho du khách có những trải nghiệm tốt nhất, có thể quay lại Thái Nguyên. Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh sẽ phát huy hiệu quả những liên kết giữa các tỉnh, địa phương, các hãng hàng không, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đảm bảo an toàn, an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường...

Phó Cục trưởng Cục Du lịch cũng cho rằng, du lịch Thái Nguyên cũng cần tăng cường chuyển đổi số. Hiện các sản phẩm chuyển đổi số của du lịch Thái Nguyên có nhiều nhưng cần phải tối ưu hóa, liên thông với các hệ thống để phát huy hiệu quả.

Cơ hội cho du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đang mở ra, minh chứng là các điều kiện cần và đủ được tỉnh chú trọng, quan tâm. Các chính sách phát triển du lịch được tỉnh xây dựng, triển khai bài bản, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và các nước trong khu vực.

Đọc thêm