Thảm cảnh "nồi da nấu thịt"

Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống, giữa những người trong gia đình, lẽ ra cần được giải quyết ôn hòa thì do thiếu kiềm chế, những người ruột thịt của nhau lại nói chuyện bằng hung khí. Hậu quả là tấn bi kịch đã ập xuống gia đình, anh em, cha con rơi vào thảm cảnh “nồi da nấu thịt”.

Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống, giữa những người trong gia đình, lẽ ra cần được giải quyết ôn hòa thì do thiếu kiềm chế, những người ruột thịt của nhau lại nói chuyện bằng hung khí. Hậu quả là tấn bi kịch đã ập xuống gia đình, anh em, cha con rơi vào thảm cảnh “nồi da nấu thịt”.

Bênh chị, con giết cha

TAND tỉnh An Giang vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Nguyên (tức Cu, 24 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) mức án 17 năm tù về tội “Giết người”.

Bị cáo Phạm Văn Nguyên.

Bị cáo Nguyên sinh trưởng trong một gia đình có hai chị em, mẹ mất sớm, cha mắc tật nát rượu. Mỗi khi say rượu, người cha là ông Phạm Văn Dương lại kiếm cớ gây sự với các con, dù chị em Nguyên đều đã trưởng thành và đôi khi chẳng có tội tình gì. Khoảng 17h ngày 19/9/2011, sau khi uống rượu về, ông Dương lại chửi bới con gái thậm tệ chỉ vì dẫn bạn trai về nhà.

Thấy chị bị cha mắng quá đáng, Nguyên bênh chị nên cự cãi lại cha và đòi chia tài sản của mẹ chết để lại. Tức giận, ông Dương dùng tay đánh, Nguyên bỏ chạy, ông Dương đuổi theo đánh trúng vào vai và lưng Nguyên.

Bị cha đánh đau nên Nguyên rất tức, cộng với nỗi uất ức lâu ngày tích tụ lại, Nguyên quay lại vớ con dao đâm vào ngực ông Dương hai nhát, làm người cha ngã gục. Gây án xong, Nguyên vứt bỏ dao và đến Công an huyện Châu Phú đầu thú. Còn ông Dương tuy được mọi người phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Tại tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, mang tính chất côn đồ, hung hãn, vô cớ tước đoạt sinh mạng cha ruột của mình, gây căm phẫn trong dư luận nhân dân nên cần có hình phạt nghiêm mới đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo, góp phần phòng ngừa chung cho xã hội.

Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; thuộc thành phần lao động nghèo, trình độ học vấn thấp, sự hiểu biết pháp luật có phần hạn chế, sau khi gây án đã ra đầu thú, đại diện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, nên đã tuyên phạt bị cáo 17 năm tù.

Em vợ hại chết anh rể

Cũng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình nhưng do thiếu kiềm chế mà bị cáo Võ Trọng Lý (19 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã lỡ tay giết anh rể của mình, để cháu gái mới 2 tuổi đã phải mồ côi cha, chị gái thành góa bụa khi mới ngoài 20 tuổi.

Bị cáo Võ Trọng Lý.

Lý là con thứ 3 trong gia đình thuần nông ở xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, được tiếng là chân chỉ hạt bột. Vậy nên khi xảy ra vụ án mạng khiến người anh rể thiệt mạng, không ai ngờ Lý lại là thủ phạm.

Hôm ấy, khoảng 19h ngày 29/6/2011, Lý đến nhà chị gái là Võ Thị Hương Trà và anh rể là Nguyễn Đình Quát ở cùng xóm chơi. Trong lúc đang đùa chơi với cháu gái là bé Nguyễn Võ Thảo Uyên (2 tuổi), Lý bị chị gái mắng.

Cho rằng bị chị mắng vô cớ, Lý bức xúc lấy dép ném chị Trà. Anh Quát thấy vậy có nói với Lý: “Mày là em hay là chị mà hỗn thế, mày lỳ vừa thôi, tau nói nhỏ, nói to nhiều lần rồi mà không nghe à?”. Lời qua tiếng lại, Lý bỏ sang nhà bên cạnh thì bị anh Quát cầm thanh gỗ đi theo đánh vào người. Thanh gỗ bị gãy, anh Quát tiếp tục lấy thanh gỗ khác đánh Lý.

Bị anh rể đánh đau, Lý cầm chiếc kéo ở thềm đâm vào người anh Quát mấy nhát. Lúc này, chị Trà chạy sang can ngăn, kêu mọi người đưa chồng đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp. Lưỡi kéo oan nghiệt của gã em vợ đã đâm thủng tim anh Quát, gây mất máu cấp không hồi phục. Đêm đó, khi biết tin anh rể chết, Lý đã đến Công an huyện Kỳ Anh đầu thú về hành vi “Giết người”. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo Võ Trọng Lý mức án 7 năm tù.

Đừng để thảm cảnh “nồi da nấu thịt”

Do bị cáo và bị hại đều là người trong một gia đình nên trong các phiên tòa xét xử, đại diện cho người bị hại xấu số đồng thời cũng là người thân với kẻ gây án, thường xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Dẫu biết rằng kẻ gây án phải bị trừng trị mới công bằng, là lẽ phải ở đời nhưng với người bị hại thì gia đình họ đã gánh chịu nỗi mất mát đau thương vì mất người thân giờ không muốn thêm một nỗi đau thương nào nữa. Thậm chí trong một vụ án con giết cha, vợ người bị hại cũng là mẹ bị cáo còn xin Tòa cho mình được gánh chịu hình phạt thay cho đứa con tội đồ trẻ người non dạ.

Cũng vì vậy mà các bị cáo thường tòa cho hưởng lượng khoan hồng với mức án nhẹ hơn. Nhưng dẫu bản án của pháp luật có đến ngày mãn hạn, rồi đến ngày được xóa án tích thì với các bị cáo, còn một bản án lương tâm vẫn đeo đẳng, day dứt, ám ảnh trong tâm khảm họ đến suốt đời. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho mọi người hãy biết kiềm chế, thận trọng trước mọi hành vi của mình để biết dừng lại trước khi quá muộn.

Trần Nguyên
 

Đọc thêm