Thẩm định chính sách: Chưa đủ điều kiện phải nêu rõ lý do

(PLO) - Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý.
Thẩm định chính sách: Chưa đủ điều kiện phải nêu rõ lý do
Cụ thể trách nhiệm từng cơ quan
Một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 so với Luật năm 2008 và Luật năm 2004 là Luật năm 2015 đã quy định quy trình xây dựng chính sách phải được thực hiện trước khi soạn thảo VBQPPL. Quy trình xây dựng chính sách được áp dụng đối với luật, pháp lệnh và một số loại nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. 
Quy trình xây dựng chính sách của luật, pháp lệnh được thực hiện trong quá trình lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội. Điều 35 của Luật năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trong việc đánh giá tác động (ĐGTĐ) của chính sách và xây dựng báo cáo ĐGTĐ của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; quy định nội dung ĐGTĐ của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và giao Chính phủ quy định chi tiết. 
Cụ thể hóa quy định tại Điều 35 của Luật năm 2015, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về trách nhiệm, thời điểm, căn cứ xây dựng nội dung chính sách; trách nhiệm, thời điểm, nội dung, quy trình, phương pháp ĐGTĐ của chính sách; trách nhiệm xây dựng báo cáo ĐGTĐ của chính sách, sử dụng thông tin khi xây dựng báo cáo ĐGTĐ của chính sách và lấy ý kiến trong quá trình xây dựng báo cáo ĐGTĐ của chính sách.
Nhằm bảo đảm chất lượng của đề nghị xây dựng VBQPPL, đặc biệt là thẩm định từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, Dự thảo Nghị định quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập các Hội đồng tư vấn thẩm định để xem xét, cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định. 
Quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định được quy định chặt chẽ và bảo đảm thu hút sự tham gia của các đối tượng khác nhau trong xã hội, công chúng và đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có đề nghị xây dựng VBQPPL. Để phù hợp với thực tế xây dựng VBQPPL ở địa phương, Dự thảo Nghị định không yêu cầu thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. 
Trong trường hợp báo cáo thẩm định khẳng định đề nghị xây dựng VBQPPL chưa đủ điều kiện trình Chính phủ hoặc UBND thì Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp phải nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ cho cơ quan lập đề nghị để chỉnh lý đề nghị và quyết định trình hoặc không tiếp tục trình Chính phủ hoặc UBND. Trong trường hợp cơ quan lập đề nghị quyết định tiếp tục trình thì gửi hồ sơ đã được chỉnh lý đến Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp để thẩm định lại.   
Quy định rõ cơ chế sử dụng chuyên gia
Muốn xây dựng một hệ thống pháp luật tốt đòi hỏi phải xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Việc xây dựng pháp luật cũng cần phải huy động sự tham gia và trí tuệ của các cán bộ, công chức đang làm việc ở các đơn vị khác nhau của bộ, ngành bằng cách luân chuyển, điều động, biệt phái. 
Bên cạnh đó cũng cần có quy định về việc huy động các chuyên gia, nhà khoa học ở trong nước và nước ngoài trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xuất phát từ quan điểm nêu trên, Dự thảo Nghị định quy định về người làm công tác xây dựng pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời quy định cơ chế sử dụng chuyên gia, cộng tác viên vào một số hoạt động xây dựng pháp luật như kiểm tra VBQPPL, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL. 

Đọc thêm