Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Quảng cáo 2012, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ; góp phần gia tăng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo cũng như đóng vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Số lượng doanh nghiệp quảng cáo tăng trưởng đều theo từng năm. Hoạt động quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo, trang thông tin điện tử, mạng xã hội thiết bị điện tử thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác cũng đang phát triển mạnh mẽ.
Theo số liệu báo cáo, từ năm 2013 đến nay, trung bình 1 năm cả nước đã thực hiện tiếp nhận trên 25.000 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với loại hình bảng, băng-rôn và đoàn người thực hiện quảng cáo. Luật Quảng cáo cũng là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại, văn minh…
Các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh mà trước đó chưa có quy định để xử lý, đặc biệt là tình trạng quảng cáo rao vặt, quảng cáo tấm lớn tràn lan gây mất mỹ quan đô thị; quảng cáo có nội dung thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “ nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Luật quảng cáo, cùng với sự phát triển của kinh tế doanh nghiệp, hoạt động quảng cáo cũng đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật như: Thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam Việc quản lý nội dung, hình thức quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề, như: quản lý hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài trong xu thế hội nhập quốc tế; quản lý quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; hoàn thiện quy định của pháp luật về nội dung, hình thức và quản lý phương tiện quảng cáo; bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời…
Kết luận cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định.