Thẩm định Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi

(PLVN) - Chiều 10/4 tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh , Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì buổi thẩm định Hồ sơ dự án Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Tại buổi thẩm định, đại diện đơn vị soạn thảo, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã trình bày nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết nhằm phổ cập giáo dục mẫu giáo đối với trẻ em từ 3-5 tuổi trên phạm vi cả nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện Phổ cập giáo dục mẫu giáo. Đồng thời, đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận GDMN có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.

Quang cảnh buổi thẩm định.

Quang cảnh buổi thẩm định.

Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 03 nhóm chính sách, cụ thể: chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN; chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trình bày nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết.

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trình bày nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết.

Góp ý vào dự thảo Nghị định, bà Đỗ Thị Kiều Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá xã hội (Văn phòng Quốc hội) cho biết, nhiều chính sách trong dự thảo hiện không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, ví dụ như chính sách hỗ trợ ăn trưa, thẩm quyền về chỉ tiêu biên chế, đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị… Bên cạnh đó, việc bổ sung đối tượng là con công nhân theo Nghị định 105 vẫn đang triển khai bình thường; hay các chính sách liên quan đến nhà giáo vốn đã được quy định trong Luật Giáo dục và dự thảo Luật Nhà giáo, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ để tránh trùng lặp và chồng chéo.

Bà Đỗ Thị Kiều Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá xã hội (Văn phòng Quốc hội) phát biểu tại buổi thẩm định

Bà Đỗ Thị Kiều Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá xã hội (Văn phòng Quốc hội) phát biểu tại buổi thẩm định

Ngoài ra, cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, bao gồm toàn quốc hay chỉ áp dụng cho các cơ sở giáo dục công lập hoặc cả ngoài công lập. Đặc biệt, các nội dung trùng lặp với Luật Nhà giáo cần được cân nhắc lược bỏ nếu nghị quyết này được thông qua, để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật.

Về phía Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Tuyết Giang, Trưởng phòng Công pháp và nhân quyền quốc tế (Vụ Pháp luật Quốc tế) cho rằng, ngoài Công ước quốc tế về quyền trẻ em như trong dự thảo đã nêu, cần bổ sung thêm các điều ước quốc tế liên quan như Công ước về quyền con người, quyền kinh tế - xã hội, quyền của người khuyết tật…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Giang, Trưởng phòng Công pháp và nhân quyền quốc tế (Vụ Pháp luật Quốc tế) góp ý tại buổi thẩm định.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Giang, Trưởng phòng Công pháp và nhân quyền quốc tế (Vụ Pháp luật Quốc tế) góp ý tại buổi thẩm định.

Về kinh nghiệm quốc tế, dự thảo chủ yếu tham khảo các nước phát triển, chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển; đề nghị bổ sung kinh nghiệm từ các nước ASEAN hoặc châu Á có điều kiện tương đồng. Về đối tượng áp dụng, cần bổ sung chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em ở vùng khó khăn và các nhóm trẻ em đặc thù khác.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận buổi thẩm định.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận buổi thẩm định.

Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, theo Khoản 2 Điều 10 tại dự thảo, việc thí điểm là để áp dụng một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với quy định của luật hiện hành. Như vậy, nếu nội dung đề xuất khác Luật Giáo dục thì phải xem là chính sách mới và chỉ được thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, Nghị quyết 42-NQ/TW và Kết luận của Bộ Chính trị về Nghị quyết 29 đã xác định rõ việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Đây là chủ trương đã có, cần được thể chế hóa bằng luật, chứ không thể bằng nghị quyết thí điểm.

Bên cạnh đó, các chính sách đưa ra trong dự thảo còn trùng lặp nhiều với quy định đã có trong Luật Giáo dục; Luật Nhà giáo… đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại.

Về Tờ trình, cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung so sánh, lấy kinh nghiệm từ các nước tương đồng trong khu vực và bổ sung đánh giá các điều ước quốc tế khác, đặc biệt là những điều ước về người khuyết tật trong đó có quy định đối với trẻ em khuyết tật...

Đọc thêm