Tham gia tố tụng của Trợ giúp viên còn hạn chế

Qua số lượng vụ việc tham gia tố tụng cho thấy, mặc dù số vụ việc do Trợ giúp viên tham gia tố tụng đã tăng lên theo từng năm, song nếu so với số vụ việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện cho người được TGPL thì tỷ lệ vụ việc còn đang rất thấp...
Qua số lượng vụ việc tham gia tố tụng cho thấy, mặc dù số vụ việc do Trợ giúp viên tham gia tố tụng đã tăng lên theo từng năm, song nếu so với số vụ việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện cho người được TGPL thì tỷ lệ vụ việc còn đang rất thấp...

Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (TTLT số 10), công tác phối hợp trong lĩnh vực này đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, góp phần tích cực trong việc thiết lập, củng cố mối quan hệ phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng.

Trong gần 3 năm thực hiện TTLT số 10, đã có khoảng 18.000 vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng. Tại nhiều tỉnh, trong số các vụ việc tham gia tố tụng, số vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu và đề nghị Trung tâm cử Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên thực hiện luôn chiếm tỷ lệ lớn so với số vụ việc do đối tượng tự tìm đến Trung tâm.

Số vụ việc tham gia tố tụng tăng hơn so với trước khi thực hiện TTLT số 10. Chẳng hạn, tại Thái Nguyên năm 2006 và 2007 chỉ được 262 vụ nhưng 3 năm thực hiện TTLT đã tăng 381 vụ. Các vụ việc sau khi hoàn thành đều được Trung tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc theo Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL…

Tuy nhiên, qua số lượng vụ việc tham gia tố tụng cho thấy, mặc dù số vụ việc do Trợ giúp viên tham gia tố tụng đã tăng lên theo từng năm, song nếu so với số vụ việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện cho người được TGPL thì tỷ lệ vụ việc còn đang rất thấp, chỉ chiếm khoảng từ 20-30% so với tổng số vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết. Về cơ bản, tỷ lệ vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện còn thấp, nhiều nơi còn ỷ lại vào đội ngũ Luật sư cộng tác viên.

Theo Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Tạ Thị Minh Lý, ngoài một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thực hiện nhiều vụ việc tố tụng hơn Luật sư, còn hầu hết các tỉnh, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được vụ việc tham gia tố tụng ít hơn Luật sư rất nhiều, thậm chí có tỉnh trong 3 năm chỉ thực hiện được một vài vụ như Cao Bằng 1 vụ, Đăk Lăk 1 vụ, Bình Dương 3 vụ.

Mặt khác, các vụ việc mới chủ yếu được thực hiện đối với các đối tượng là người chưa thành niên phạm tội (tỷ lệ gần 100%) là đối tượng bắt buộc phải có luật sư tham gia bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Số vụ việc có các đối tượng khác thuộc diện được TGPL theo quy định của Luật TGPL thực hiện còn ít.

“Điều này cũng giải thích lý do một phần số lượng vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng còn rất thấp so với số lượng án phải giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng”, bà Lý nói.

An Khê

Đọc thêm