“Tiên phát chế nhân”
Thời Lý, để phòng quân quân Tống xâm lược , Lý Thường Kiện đã đưa quân sang tận Ung Châu, Liêm Châu đánh các cơ sở hậu cần của quân Tống, gọi đó là chiến lược “Tiên phát chế nhân”. Trong bảo vệ biên giới với Campuchia, lúc đầu Việt Nam cũng thực hiện chiến lược này, nhưng không thể ngăn được mưu đồ cuồng vọng của Pol Pot.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: Ban đầu, dù bọn Pol Pot đã gây hấn ở biên giới, sát hại đồng bào ta, Việt Nam vẫn thi hành chính sách hết sức kiềm chế để tìm hiểu rõ nguồn cơn nhằm tìm cách hóa giải một cách hòa bình.
“Lúc đầu ta chưa biết bè lũ Pol Pot là kẻ thù nên bộ đội không được phép bắn lại. Thực tế, như ở Tây Ninh hai bên cách nhau có con suối, hằng ngày nhìn thấy nhau. Thậm chí trong kháng chiến chống Mỹ hai bên còn là bạn” - ông khẳng định.
Trước những hành động xâm lấn biên giới có cường độ, quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là những hành động tàn sát đồng bào tại đó, Việt Nam đã có những hành động trừng phạt quân Pol Pot đích đáng. Ngày 31/12/1977, 6 sư đoàn của QĐND Việt Nam đã đánh vào sâu trong đất Campuchia, phát triển đến tận Neak Luong, sau đó rút về nước vào ngày 6/1/1978.
Ngay từ khi kẻ thù mới xuất hiện trên tuyến biên giới Tây Nam, các Quân khu 5, 7, 9 và đặc biệt là bộ chỉ huy quân sự các tỉnh dọc biên giới đã chủ động cơ động lực lượng, ngăn chặn địch xâm nhập, giúp đỡ nhân dân ở những nơi bị địch tàn sát, giải quyết hậu quả.
Vào đầu mùa thu năm 1977, Bộ Tổng tham mưu điều động lực lượng theo thế bố trí chiến lược mới trên phạm vi cả nước. Các quân khu đã thành lập sở chỉ huy tiền phương, phái cán bộ chủ chốt trực tiếp chỉ đạo các đơn vị, đơn cử như trên hướng Đông Bắc Campuchia, Quân khu 5 đã cử Thiếu tướng Võ Thứ, Phó Tư lệnh và một số cán bộ lên Đức Cơ để chuẩn bị cho các hoạt động quân sự.
Theo trinh sát của ta, tính đến cuối năm 1977 và đầu năm 1978, trên toàn bộ đất nước Campuchia, quân đội Pol Pot chia làm 6 quân khu. Quân khu 303 (Quân khu Bắc) bao gồm vùng 41, 42 và 43; Quân khu 401 (miền Tây) gồm các vùng 11, 15, 31 và 37; Quân khu 405 (Tây Nam) gồm các vùng 13, 25, 33 và 35; Quân khu 203 (Quân khu Đông) gồm các vùng 20, 21, 22, 23 và 24; Quân khu 560 (Quân khu Tây Bắc) gồm các vùng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7; Quân khu 109 (Quân khu Đông Bắc) gồm các vùng 101, 102, 104, 105, 107 và 505.
Người dân Campuchia chạy sang lánh nạn trên vùng biên giới Tây - Nam của Việt Nam để tránh bị Khmer Đỏ hành quyết. (Ảnh: TTXVN) |
Ngoài ra, chúng còn thành lập 5 vùng trực thuộc Trung ương. Đó là vùng 103 (Prếch-vi-hia), vùng 106 (Xiêm Riệp), vùng 77 (Phnôm Pênh), vùng 72 (cảng Sihanuokville) và vùng 74 (cảng Phnôm Pênh). Điều đáng chú ý là Thường vụ Trung ương Đảng Campuchia (đơn vị 870) trực tiếp chỉ đạo thẳng cho các quân khu, vùng và xã.
Sau trận đánh tháng 9, quân Pol Pot tiếp tục mở những trận tấn công quấy rối, thăm dò, cho đến ngày 17/11/1977, điều 13 tiểu đoàn thuộc các sư đoàn 3, 4, 290 tấn công lớn đánh chiếm phía tây tỉnh Tây Ninh, dọc theo tỉnh lộ 13, gồm các xã Phước Tường, Năm Căn, Hòa Hội, Phước Tân, Tân Lập, Phú Tân.
Ngày 2/12/1977, tướng Lê Trọng Tấn Ân ra lệnh cho Quân đoàn 4 tràn qua biên giới tấn công, mục đích là tái chiếm những vị trí ở tỉnh Tây Ninh, sau đó tràn qua biên giới, phá hủy những căn cứ quân sự và tiếp vận, đồng thời tìm cách tiêu diệt hay gây tổn thất cho các đơn vị quân Pol Pot trong quân khu Đông. Cuộc tấn công cũng nhằm biểu dương sức mạnh với chính quyền Pol Pot, đưa tuyến phòng thủ của Việt Nam vào sâu trong lãnh thổ Campuchia từ 10 - 40km.
Theo đó, hướng thứ nhất do Sư đoàn 9 cùng Trung đoàn 209 của Sư đoàn 7 phản công tái chiếm những làng xã đã mất thuộc quận Châu Thành và Tân Biên, dọc theo tỉnh lộ 13, sau đó vượt biên giới chiếm đóng các vị trí quân sự, và tiêu diệt các đơn vị của Sư đoàn 4 Campuchia.
Hướng thứ hai do Sư đoàn 341 cùng Trung đoàn 55 pháo binh tiến dọc theo trục đường 24 tấn công Trung đoàn 21 thuộc Sư đoàn 290 Campuchia. Hướng thứ ba do Trung đoàn 14 của Sư đoàn 7, cùng một đại đội xe tăng T59, một đại đội thiết vận xa M113 tấn công theo quốc lộ 1, vượt biên giới trên ba mươi cây số tấn công Trung đoàn 182 thuộc Sư đoàn 3 Campuchia.
Kẻ cướp la làng gặp biến
Ngày 4/12/1977, quân Việt Nam tấn công thì chỉ ba ngày sau đã lấn sâu vào lãnh thổ Campuchia, tới quận ly Prasaut, sát bên tỉnh Svayneng. Ngày 14/12, các đơn vị quân Việt Nam rút lui khỏi Prasaut. Khi Sư đoàn 3 của Campuchia trở lại Prasaut, quân Việt Nam hành quân ngược trở lại bao vây tấn công, gây thiệt hại nặng cho quân Pol Pot.
Trước tình thế đó, Bộ Tổng tham mưu của Pol Pot điều động thêm hai sư đoàn 703 và 301 từ Trung ương lên tăng cường mặt trận Prasaut. Đến ngày 6/1/1978, các đơn vị quân đội Việt Nam rút về nước sau khi đã hoàn thành mục đích đề ra.
Song song với việc phản công quân sự vào biên giới Việt Nam, chính quyền Pol Pot bắt đầu tấn công trên mặt trận ngoại giao. Ngày 31/12/1977, Khmer Đỏ công khai tố cáo Việt Nam xâm lăng Campuchia và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao. Như vậy, từ cương vị là kẻ cướp đất ở khu vực biên giới, tàn sát đồng bào Việt Nam dã man theo chủ trương phá sạch, giết sạch, đốt sạch vô cùng tàn bạo, Khmer Đỏ nghiễm nhiên trở thành kẻ “bị oan” nhờ các phương thức vu khống với dư luận quốc tế.
Hàng trăm binh sĩ Khmer Đỏ bị quân ta bắt khi chúng xâm lấn biên giới Việt Nam ở 2 huyện Bảy Núi và Tịnh Biên, tỉnh An Giang (19/1/1978). |
Do được đỡ đầu bởi “ông anh cả” nên LHQ và các nước khác trên thế giới vốn sẵn có thù hằn với Việt Nam tin đó là sự thật. Các nước có tư tưởng chống phá cách mạng Việt Nam và các tổ chức phản động ở ngoài nước lợi dụng cơ hội này để “khoác” cho Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam những “tiếng xấu”.
Trong cuốn “Hun Sen, nhân vật xuất chúng của Campuchia”, tác giả Barsh C.Mehta - Julie B.Mehta đã ghi lại lời kể của Hun Sen thời điểm này: “Đài phát thanh Phnom Penh đã đưa ra lời kêu gọi của Khieu Samphan, người đứng đầu nhà nước với quân đội và thường dân hãy tự bảo vệ chống lại “tất cả các kẻ thù” xâm lăng Campuchia để cướp phá vụ thu hoạch lúa.
Samphan kết tội các lực lượng Việt Nam đã phá hủy các nông trường cao su, đốt rừng và nhà cửa, bắn bừa bãi vào dân chúng Campuchia. Chính quyền Campuchia đã cắt đứt các mối quan hệ với Việt Nam cũng như hủy bỏ toàn bộ các liên đới về đường hàng không”. Tuy nhiên, những hành động và tội ác “trời không dung, đất không tha” với chính nhân dân Campuchia và Việt Nam của Khmer Đỏ đã bị lật tẩy.
Ngày 24/5/1978, quân đội của Ke Pauk thuộc Quân khu Trung ương kéo đến bao vây tổng hành dinh của quân khu Đông tại Suông, bắt giam hết những sĩ quan chỉ huy. Một số đơn vị của Sư đoàn 4 Campuchia trốn thoát vào rừng và nhiều cuộc chạm súng đã xảy ra giữa những toán quân này và quân Trung ương. Trong số những lực lượng đồn trú tại Quân khu Đông, sau cuộc thanh trừng, Sư đoàn 4 coi như biến mất, các sư đoàn 3, 5, 280 bị suy yếu hẳn.
Trước đó, nhiều người “có lương tri” của Campuchia đã không đi theo lý tưởng của Pol Pot, không thực hiện mệnh lệnh đánh Việt Nam. Họ từ bỏ hàng ngũ và chạy sang Việt Nam. Các tác giả Barsh C.Mehta - Julie B.Mehta kể lại lời Hun Sen: “Họ bồn chồn chờ đợi trong đêm.
Khi màn đêm buông xuống bao phủ, bốn người lính Khmer Đỏ và một người chỉ huy đi bộ khỏi một căn cứ nhỏ của họ gần biên giới Việt Nam. Họ đang trốn khỏi nanh vuốt của Angkar…. Chết vì cái gì cũng còn hơn phải sống dở chết dở dưới chế độ Khmer Đỏ”.../.