Băng rừng, vượt suối chiếu bóng phục vụ bà con vùng biên
Đại tá Hoàng Ngọc Thanh-Giám đốc Điện ảnh-Truyền hình BĐBP cho biết: “Trải qua các giai đoạn lịch sử, cho dù phải đối diện với muôn vàn gian khổ, hy sinh nơi khói lửa chiến tranh, hay nỗ lực vượt qua những khó khăn của thời kỳ phim nhựa thoái trào, bắt tay vào chinh phục công nghệ sản xuất thời kỹ thuật số đầy thách thức Điện ảnh Công an Nhân dân vũ trang (CANDVT) trước đây và Điện ảnh - Truyền hình BĐBP ngày nay vẫn luôn vững vàng và phát triển. Các thế hệ cán bộ, nghệ sỹ, phóng viên, công nhân viên một lòng đoàn kết, yêu nghề và cháy hết mình vì nghệ thuật, đam mê cống hiến cho nghệ thuật, kết hợp giữa nghệ thuật điện ảnh với truyền hình một cách nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo”.
Đoàn Điện ảnh CANDVT của Bộ Tư lệnh CANDVT ra đời trên cơ sở hợp nhất các đội chiếu bóng (năm 1959) và bộ phận quay phim (năm 1960); năm 1980 đổi thành Đoàn Điện ảnh BĐBP; năm 2005 đổi thành Điện ảnh BĐBP. Năm 2013, đổi tên thành Điện ảnh - Truyền hình BĐBP, trực thuộc Cục Chính trị BĐBP; có nhiệm vụ chuyên trách thực hiện sản xuất phim, lưu trữ tư liệu phim và tuyên truyền trên truyền hình Trung ương; Hệ Phát thanh có hình Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Phát thanh - Truyền hình các địa phương theo quy định của Luật Báo chí, dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục Chính trị.
Ngày 25/9/1959, Cục Chính trị đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh CANDVT thành lập 12 đội chiếu bóng và 20 đội ảo đăng (đèn chiếu) làm công tác chiếu bóng tuyên truyền trên các tuyến biên giới.
Ngay từ khi mới triển khai hoạt động, các đội chiếu bóng đã phải đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn về trang bị kỹ thuật, đường sá xa xôi, địa hình phức tạp, khí hậu miền núi khắc nghiệt. Để đến được với từng đơn vị, từng bản làng biên giới các cán bộ, chiến sĩ phải băng rừng, vượt suối, cõng thiết bị trên lưng, có nơi như ở Tây Bắc, Việt Bắc phải đi bộ từ 3 - 4 ngày đường mới vào tới nơi để chiếu bóng.
Thiếu tướng Lê Như Đức-Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “Không thể nói hết được những vất vả, gian khổ của các chiến sĩ Điện ảnh CANDVT thời kỳ này. Nhưng tất cả nỗi vất vả, nhọc nhằn đó đều được đền đáp bằng sự đón đợi, mong chờ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và người dân khao khát được thấy hình ảnh của đất nước, của thế giới sống động trên màn ảnh. Ở bất cứ đâu, các anh cũng được đón nhận sự quan tâm và tình cảm yêu mến của người xem. Những địa bàn miền Tây Thanh Nghệ, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng là nơi có đông đồng bào Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng… bao đời sống trong tăm tối của chế đội cũ, nay nhờ có đội chiếu bóng CANDVT họ đã được xem phim. Khi màn ảnh bật sáng, đồng bào còn thấy được hình ảnh Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện lên sống động gần gũi, làm cho ai nấy đều xúc động, nghẹn ngào.
Hàng vạn buổi chiếu bóng đã được thực hiện như vậy làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về Đảng, Nhà nước, góp phần cổ vũ, động viên bà con một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng”.
Giải thưởng cao quý cho những hy sinh thầm lặng
Với những kiến thức và trang bị có được, các phóng viên Điện ảnh CANDVT đã đến khắp mọi miền đất nước, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, vừa tác nghiệp, vừa tự bồi dưỡng tay nghề để có được những thước phim mang đầy hơi thở cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta. Nhiều đồng chí đã bất chấp gian khổ, hy sinh bám trụ cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân giới tuyến, lăn lộn trên miền Tây Quảng Bình, Nghệ An, Nậm Cắn, Cha Lo, Cù Bai, theo sát bước chân Bộ đội phòng không trên đảo Cô Tô, Cồn Cỏ, Cát Bà, Sông Gianh để ghi lại tội ác tày trời của Đế quốc Mỹ. Có tổ làm phim đã hành quân cùng bộ đội tiến vào giải phóng Quảng Trị (năm 1972), giải phóng Sài Gòn (năm 1975) và họ đã ghi lại được những thước phim tài liệu quý giá hừng hực khí thế tiến công.
Nghệ sĩ quay phim Nguyễn Ngọc Loan nhớ lại: “Thời kỳ chống Mỹ, cứ 3 tháng một đợt, tôi lọc cọc đạp xe vượt cả nghìn cây số từ Hà Nội vào vĩ tuyến 17, Quảng Trị để quay những hình ảnh sống động, khốc liệt của cuộc chiến và cuộc sống thấm đẫm tình người. Dọc đường đi, tôi phải ăn, ở nhờ nhà dân. Tôi không bao giờ quên được tình cảm người dân dành cho mình những ngày gian khổ đó. Có nhà trường kỳ ăn cháo nhưng vẫn dành gạo nấu cơm, nắm cơm vắt cho tôi đi ăn đường”.
Từ những thước phim được quay trong những ngày cam go, oanh liệt như thế, nhiều bộ phim do Đoàn Điện ảnh CANDVT sản xuất từ 1968 - 1979 đã nhận được giải thưởng trong các kỳ Liên hoan Điện ảnh trong nước và quốc tế. Đặc biệt bộ phim “Một số vấn đề về biên giới Việt Nam - Cam pu chia” được in gần 100 bản với 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt để chiếu tại Liên Hợp quốc và nhiều nước trên thế giới tố cáo tội ác diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt - Iêng xa ri.
Từ năm 1992 đến năm 2005, mỗi năm Điện ảnh BĐBP sản xuất hàng chục phim phóng sự, tài liệu phát sóng truyền hình và cung cấp cho phát hành phim Quân đội sản xuất băng đĩa phát hành trong toàn quân, tiêu biểu là các phim: “Trăn trở vùng biên cương”, “Đứng gác trên đỉnh cao 3000”, “Lửa rừng Cha Lo”, “Chống buôn lậu ở vùng biển Đà Nẵng”, “Có một làng như thế”, “Ngược dòng”, “Nói với Hồ Vải”, “Kỹ sư địa đạo”, “Đảo xa nhớ Bác”, “Biên cương mùa vàng”, “Cây đàn Trơ bon”, “Người lính trên đảo đèn’, “Nạn buôn người qua biên giới”… đã đạt giải Vàng, Bạc trong các kỳ liên hoan Truyền hình toàn quốc, toàn quân và ngành Công an.
Từ năm 2006 -2018, bên cạnh hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, đơn vị chuyển mạnh sang hoạt động trên lĩnh vực truyền hình. Khối lượng tác phẩm do đơn vị sản xuất lên đến 2.000 cuốn phim nhựa, hàng chục nghìn cuốn băng video, hàng vạn file dữ liệu hình ảnh động chất lượng cao được bổ sung hàng năm. Ngoài các giải thưởng cao quý, đây thực sự là kho tư liệu vô giá về hoạt động chiến đấu, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới của quân và dân ta, về hoạt động xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP, đồng thời là những tài liệu, chứng cứ quan trọng phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ biên giới của Nhà nước.
Với những cống hiến xuất sắc, đến nay Điện ảnh-Truyền hình BĐBP đã có 4 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú; Đơn vị được Nhà nước tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu thi đua xuất sắc và Bằng khen, Giấy khen của Bộ Quốc phòng, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh và Cục Chính trị BĐBP.