Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, ĐB Mão cho biết, tại kỳ họp thứ 3, ông đã có phát biểu xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN) và đã được trả lời nhưng hiện nay theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp của QH về công tác PCTN của Chính phủ nhận định tham nhũng vẫn đang là thách thức, là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh tham nhũng vặt thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình đang bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá thực chất.
ĐB Mão đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng mà báo cáo của ủy ban Tư pháp đã nêu.
Trả lời câu hỏi này, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, công tác PCTN được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn dân rất quan tâm.
“Trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Bộ Chính trị, Quốc hội… tình hình tham nhũng có thể nói đã được ngăn chặn và đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Với tình trạng hiện nay, tham nhũng vẫn là vấn đề phức tạp nên vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Khái nói.
Về nguyên nhân của những tồn tại, theo Tổng thanh tra Chính phủ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có tuyên truyền pháp luật, hệ thống pháp luật và thứ 3 là công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Trong thời gian tới, với tình hình như vậy, ông Khái cho hay, Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, Chính phủ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN với nhiều giải pháp.
Thứ nhất là tiếp tục tuyên truyền pháp luật để người dân, toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là cán bộ công chức, nắm vững luật PCTN và hệ thống pháp luật.
Thứ 2 là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật làm sao đầy đủ, toàn diện, đảm bảo kiểm soát được tất cả các hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước của những người có trách nhiệm liên quan đến cán bộ công chức.
“Trong hoàn thiện hệ thống pháp luật thì tại kỳ họp này, QH sẽ thông qua luật PCTN sửa đổi trong đó có nhiều giải pháp, khắc phục những hạn chế từ giải pháp phòng ngừa tới kiểm tra, xử lý và đặc biệt là kê khai và xử lý tài sản không giải trình được hợp lý; tăng cường cả hệ thống chính trị tham gia kiểm tra, giám sát, phát hiện để hạn chế thấp nhất tình trạng tham nhũng làm trong sạch bộ máy”, Tổng thanh tra Chính phủ cho hay.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) đã đặt câu hỏi với Tổng thanh tra Chính phủ về giải pháp đột phá cả trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo thời gian qua đã có chuyển biến tích cực nhưng nhưng so với mong đợi của cử tri thì còn rất xa..
Trả lời chất vấn tại phiên họp, Tổng thanh tra Chính phủ nêu rõ tiếp công dân và xử lý các khiếu nại, tố cáo của công dân là việc hết sức quan trọng. Trong năm 2018 Chính phủ đã có những giải pháp tăng cường tiếp công dân, chỉ đạo, lãnh đạo các hệ thống và các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, nhờ đó tình trạng khiếu nại tố cáo đã giảm. Theo số liệu, số đơn khiếu nại có tăng nhưng số đoàn đông người không tăng so với năm 2017.
Tổng thanh tra Chính phủ thông tin, Thanh tra Chính phủ với chức năng quản lý nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, trong đó có tuyên truyền về pháp luật về khiếu nại tố cáo; tổ chức thực hiện tốt luật tiếp công dân; thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh những thiếu sót trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo…
“Giải pháp đột phá hiện nay là phải làm sao tiếp, giải quyết dứt điểm các vụ việc cũng như các yêu cầu của người dân từ cơ sở bởi theo luật Khiếu nại, tố cáo thì chúng ta giải quyết hết lần 2 là hết thẩm quyền. Sau khi giải quyết lần 2 xong mà công dân chưa thỏa mãn thì kiện ra tòa hành chính nhưng hiện nay có thể đã giải quyết lần 2 rồi nhưng người dân vẫn ngại ra tòa hành chính nên tập trung thành những đoàn đông người kéo lên khiếu nại vượt cấp.
Do đó chúng tôi nghĩ giải pháp đột phá nhất hiện nay là làm sao để tiếp công dân thực sự ở cơ sở; những vụ việc phức tạp, đông người thì phối hợp với địa phương để xử lý, giải quyết”, ông Khái thông tin.
Vẫn theo Tổng thanh tra Chính phủ, sau hội nghị của Thủ tướng với 27 tỉnh, thành có các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch. Nếu thực hiện các giải pháp này thì tới đây tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân thời gian tới sẽ có hiệu quả.