Xử lý cán bộ, còn tùy...

(PLO) -Tại Cà Mau, có 2 vụ tham nhũng “vặt” xảy ra cùng thời điểm. Một cán bộ thuộc Sở TN&MT làm việc tại Văn phòng đăng ký đất đai “gợi ý” với người dân đến làm thủ tục lấy 3 triệu đồng. Khi trao tiền bị bắt quả tang và cán bộ này bị khởi tố bị can, cho tại ngoại, cơ quan tạm đình chỉ công việc. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Một phó chủ tịch xã ký giấy xác nhận cho dân và cũng “gợi ý”, “đề nghị ủng hộ 5 triệu đồng”. Người dân đồng ý trao tiền, khi vụ việc vỡ lở thì ông phó chủ tịch mang tiền đến trả. Ông bị xem xét kỷ luật và mức đưa ra là 3/5 phiếu cảnh cáo, 2/5 phiếu đề nghị khiển trách.

Hai vụ việc giống nhau cả hình thức và bản chất, xảy ra cùng tại một địa phương nhưng cách xử lý cán bộ có khác nhau, người dính vòng tố tụng và coi như chấm dứt sự nghiệp, còn người kia bị kỷ luật và chức tước vẫn còn nguyên. Đều là “tham nhũng vặt”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “vặt” của người dân thì cần xử lý như nhau, đặc biệt khi sự cảnh báo “tham nhũng vặt” để lại rất nhiều hệ lụy xấu, sự tha hóa của bản thân cán bộ làm suy yếu bộ máy công quyền và làm xấu đi rất nhiều hình ảnh người cán bộ nhà nước trong con mắt nhân dân.

Không phải “tham nhũng vặt” mà là điển hình cho tham nhũng quyền lực, đó là trường hợp của ông Bí thư huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Trong thời gian ông giữ chức Chủ tịch huyện 2 nhiệm kỳ rồi Bí thư kéo dài 15 năm, ông đã bổ nhiệm hàng chục người nhà hoặc người cùng làng xóm vào các chức vụ trong huyện. Báo chí đã không ít lần nêu về hiện tượng “cả họ làm quan” này nhưng ông chẳng bị hề hấn gì. Mới đây, tân Bí thư của tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc và đã có kết luận rõ ràng.

Tuy nhiên, hình thức xử lý như thế nào còn phải chờ nhưng đã không ít các trường hợp sai phạm tương tự như thế này sẽ được điều về tỉnh giữ chức Phó ban hoặc Trưởng ban gì đó. Tất nhiên, giải quyết “có tình” theo kiểu đó thì cán bộ còn tiếp tục tha hóa và tham nhũng.

Vụ phá rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, Hà Nội để xây biệt phủ đã có những khởi động đầu tiên là tạm đình chỉ công tác một Chủ tịch xã. “Dứt dây, động rừng” và rồi sẽ tiếp tục lôi ra ánh sáng của những người “tay đã nhúng chàm”. Trường hợp này có khác với một số việc tham nhũng đất đai khác, khi cán bộ tài nguyên, môi trường bị xử lý thì các ông chủ tịch xã ký giấy, dự phần chia chác lại không bị hề hấn gì.

Thực thi pháp luật không những cần nghiêm minh và còn phải thống nhất, đồng bộ và công bằng với các trường hợp khác nhau. Người thì được hưởng việc “giơ cao đánh khẽ”, kẻ thì bị “xử trảm làm gương” sẽ làm tổn hại đến sự công minh pháp luật.