Tham nhũng và những cuộc thanh trừng đẫm máu ở Nam Phi

Cuộc chiến tranh giành quyền lực đang được người Nam Phi xem là phương thức duy nhất để làm giàu. Nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, theo đúng nghĩa đen của từ này đang diễn ra chỉ vì một vị trí, dù là nhỏ nhất, trong chính quyền.

Cuộc chiến tranh giành quyền lực đang được người Nam Phi xem là phương thức duy nhất để làm giàu. Nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, theo đúng nghĩa đen của từ này đang diễn ra chỉ vì một vị trí, dù là nhỏ nhất, trong chính quyền.

Một cuộc họp hết sức bình thường của những người đứng đầu đảng Quốc hội châu Phi (ANC) ở thị trấn Oshabeni, thuộc tỉnh KwaZulu-Natal, diễn ra để thảo luận việc chọn ra các ứng cử viên cho một chức vụ mới bị bỏ trống trong hội đồng thị trấn - chức vụ thấp nhất được bầu ở Nam Phi. Nhưng chỉ ít lâu sau khi cuộc họp kết thúc, thi thể đẫm máu với chi chít vết đạn của ông Dumisani Malunga – chủ tịch đảng ở địa phương và là người có triển vọng vào vị trí này và một lãnh đạo khác của đảng là ông Bheko Chiliza đã được phát hiện bên chiếc Toyota màu trắng của ông Malunga.

Ông Dumisani Malunga.

Đây là những nạn nhân mới nhất trong cuộc chạy đua tranh giành quyền lực chính trị ở Nam Phi. Theo số liệu chính thức của chính phủ, chỉ tính riêng tại tỉnh KwaZulu-Natal, từ năm 2010 đến nay đã có gần 40 chính trị gia bị giết hại trong cuộc chiến tranh giành chức vụ, gấp 3 lần so với 3 năm trước đó. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại các tỉnh như Mpumalanga, North West và Limpopo.

Trong bối cảnh có quá nửa người trưởng thành da đen ở Nam Phi không tìm được việc làm thì chính trị được xem là con đường duy nhất để giúp họ thoát nghèo. Sự gia tăng nhanh chóng của nạn tham nhũng đang khiến nhiều người nghĩ rằng việc có được một vị trí chính trị nào đó đồng nghĩa với các khoản lại quả và các hợp đồng.

Thực tế cũng đã chứng minh điều này. Nếu nhìn ở bề nổi, các vị trí như cán bộ, công chức và các thành viên trong hội đồng địa phương ở các vùng nông thôn khó có thể làm giàu được với mức lương chỉ khoảng 150 USD của mình. Đổi lại, họ phải xử lý tất cả mọi khiếu nại, từ các bê bối học đường, tội phạm, thiếu việc làm… Nhưng, những quan chức này cũng chính là người được quyền quyết định các dự án phát triển trong khu vực và cũng có thể gây ảnh hưởng lên các hợp đồng của chính phủ. Do đó, tiềm năng kiếm chác từ các khoản hối lộ và lại quả của họ là rất lớn.

Đó chính là lý giải cho câu hỏi tại sao một vị trí nhỏ tại một thị trấn nghèo, núp mình bên những ngọn đồi thưa thớt như Oshabeni lại nóng bỏng đến vậy. Khi người từng giữ chức vụ đó qua đời vì bạo bệnh vào tháng 8 vừa qua, rất nhiều người đã háo hức nhập cuộc tranh đua. Trong số này có cả một tài xế taxi tên Sfiso Khumalo – người đứng đầu đoàn thanh niên của ANC ở thị trấn Oshabeni.

Tuy nhiên, Khumalo lại một người rất nóng tính và từng thụ án 9 năm tù giam vì tội trộm cắp. Đối thủ của Khumalo chính là ông Malunga. Trong khi tài xế này bị mọi người xa lánh thì ngược lại, ông Malunga lại rất được yêu mến bởi sự đĩnh đạc, cẩn trọng.

Đến ngày 9/9, khi Khumalo được tuyên bố là đã được chọn làm ứng viên ra tranh cử vị trí còn trống thì không ai còn nghi ngờ về thủ phạm giết chết ông Malunga. Ngày 18/9, Khumalo đã bị kết án 22 năm tù giam sau khi thừa nhận đã cùng một doanh nhân lập mưu giết ông Malunga.

Minh Ngọc (theo NYT)

Đọc thêm