Phát biểu khai mạc, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý song trọng trách cũng rất nặng nề. Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, đòi hỏi họ phải tuân thủ các nguyên tắc của Hiến pháp và pháp luật. Cùng với đó, Thẩm phán phải thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân.
Trong suốt hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tòa án, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Tòa án các cấp luôn đề cao tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức Thẩm phán. Từ đó, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nói chung và đội ngũ Thẩm phán nói riêng.
Đặc biệt, trước đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp về xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh, để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho Thẩm phán phấn đấu và rèn luyện, ngày 4/7/2018, Hội đồng tuyển chọn giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Sau đó, Chánh án TAND tối cao đã có Chỉ thị để quán triệt và thực hiện Bộ quy tắc này. Việc ban hành Bộ Quy tắc là sự cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Bộ Quy tắc là cuốn cẩm nang ghi nhận một cách hệ thống những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử để mỗi Thẩm phán rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu đồng thời là sự cam kết mạnh mẽ của Ban Cán sự Đảng TAND tối cao, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, các Thẩm phán trong toàn quốc nói riêng và cán bộ, công chức tòa án nói chung về việc gìn giữ đạo đức; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh; xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
“Lãnh đạo Tòa án các cấp luôn ý thức rõ chất lượng cán bộ tư pháp, trong đó trọng tâm là đội ngũ Thẩm phán sẽ quyết định tới chất lượng nền tư pháp. Bộ Quy tắc mang tính chất định hướng để các Thẩm phán thực hiện, không có tính bắt buộc về hình phạt và cũng không ảnh hưởng tới tính độc lập của Thẩm phán. Do đó các Thẩm phán phải đề cao ý thức tự giác tuân thủ, Tòa án các cấp kiểm tra, người dân cùng các cơ quan dân cử theo dõi, giám sát để việc áp dụng Bộ Quy tắc này thật sự đạt hiệu quả”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình lưu ý thêm.
Tiếp đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Chu Thành Quang đã giới thiệu về các nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc, Chánh Văn phòng TAND tối cao Phạm Quốc Hưng trình bày Chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về quán triệt và triển khai thực hiện Bộ Quy tắc này.
Theo đó, Bộ Quy tắc được xây dựng trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng, các đạo luật về tố tụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Bộ ứng xử là sự ghi nhận một cách hệ thống những thành tố hình thành nên đạo đức của người thẩm phán, những ứng xử mà thẩm phán phải thực hiện để giữ gìn phẩm giá của mình, sự tôn trọng, tin tưởng mà nhân dân và xã hội dành cho họ.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Bộ quy tắc gồm 3 chương 17 điều, quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của thẩm phán, được áp dụng đối với các thẩm phán công tác tại TAND, Toà án quân sự các cấp; khuyến khích các thẩm phán đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác tự chấp hành các quy định của Bộ quy tắc. Bộ quy tắc này cũng là cơ sở để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của thẩm phán, người được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với thẩm phán.
Cụ thể, những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán được quy định trong Bộ Quy tắc gồm: tính độc lập, sự liêm chính, sự vô tư khách quan, sự công bằng và bình đẳng, sự đúng mực, sự tận tuỵ và không chậm trễ, năng lực và sự chuyên cần. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật, không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào. Còn những quy tắc ứng xử của Thẩm phán gồm: ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ, ứng xử tại cơ quan, ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn báo chí, ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, ứng xử tại nơi cư trú, ứng xử tại gia đình, ứng xử tại nơi công cộng, ứng xử đối với các hoạt động ngoài nhiệm vụ xét xử.